Multimedia Đọc Báo in

Đường xa không mỏi

08:56, 26/06/2018

Nghề chọn người hay người chọn nghề? Đó là một câu hỏi mở dành cho tất cả các nghề và những người đang làm nghề. Có những người được đào tạo nghề chính quy vẫn không có “duyên” theo nghề, có những người “chỉ một lần bước qua” mà đã trở thành nghiệp và gắn bó.

Nghề báo, vốn là ngành học không phải dễ dàng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi đi vào thực tế thì còn khó hơn gấp bội. Ngay từ chuyện đi đường, khi phải tự bươn chải trên mỗi con đường bằng phương tiện cá nhân, dù xa dù gần. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nhận được câu hỏi: Đường có xa không em? Đi mệt không em? Dạ thưa: Đường có đoạn dài đoạn ngắn, đi làm có ngày mệt ngày khỏe; nhưng đoạn đường những người làm báo trẻ như chúng tôi đang đi, không đo đếm bằng ki-lô-mét mà được xác định bởi sự gắn bó với nghề. Trên con đường ấy, có nhiều lúc mệt mỏi vì những “tai nạn nghề nghiệp”, thậm chí có thể dẫn đến bỏ nghề. Nhưng không thể phủ nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc nghề mang lại. Chính điều ấy là động lực, cộng với đam mê đã giúp những “Sứ giả thông tin” có thêm nhiều “sức khỏe” để bước tiếp, dù đường xa nhưng bước chân không chùn!

Phóng viên Báo Đắk Lắk (đứng giữa) trong một lần tác nghiệp, tìm hiểu về dệt thổ cẩm.
Phóng viên Báo Đắk Lắk (đứng giữa) trong một lần tác nghiệp, tìm hiểu về dệt thổ cẩm.

Là một người đam mê văn hóa, thích được tìm tòi những điều kỳ diệu, độc đáo trong truyền thống sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày… của mỗi dân tộc, vùng miền, nhất là khi ở Đắk Lắk có nhiều anh em dân tộc cùng sinh sống, sẽ có vô vàn những điều mới lạ trong đó. Nghề báo lại càng cho tôi được nhiều cơ hội trải nghiệm và mở rộng kiến thức khi được đi đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, tìm hiểu những câu chuyện hay từ những nhân vật ấn tượng…Với tôi, được rong ruổi xe máy trên từng cung đường, đến từng buôn làng, thôn, xóm; cùng ăn cùng sinh hoạt với người dân chưa bao giờ là khó khăn trong quá trình tác nghiệp, mà trái lại đó chính là niềm vui. Chỉ khi có sự gần gũi, gắn bó thì những vấn đề hay, lạ, mới, độc đáo, thậm chí là “thầm kín” mới được khơi gợi; từ đó tôi có cơ hội chọn cho mình được những đề tài hay, viết lên những bài báo có giá trị về mặt thông tin, tình cảm… truyền tải những thông điệp tốt đẹp đến với nhiều người trong xã hội.

Còn nhớ, vào đầu tháng năm 2018, tôi biết được thông tin ở xã Cư A Mung (huyện Ea H’leo) tổ chức Lễ hội Thanh Minh - lễ hội truyền thống của người Tày, Nùng (tỉnh Cao Bằng), khi chuyển cư đến mảnh đất mới sinh sống và giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Xác định đây là một lễ hội hay, có nhiều khía cạnh để khai thác; đặc biệt là mong muốn hiểu được tâm tư tình cảm của những người con xa quê, tôi đã quyết định đi đến tận nơi để tìm hiểu.

Phóng viên truyền hình tác nghiệp.
Phóng viên truyền hình tác nghiệp.

Thế nhưng, quyết định đi bằng phương tiện nào để vào đến xã quả thật có nhiều đắn đo. Từ TP. Buôn Ma Thuột đến xã Cư A Mung khoảng 120 km, khá là xa. Bên cạnh đó, đường từ quốc lộ đi vào xã khoảng 30 km, nhiều ổ voi, ổ gà, bụi… lại không có ô tô vào tận nơi, đón xe ôm cũng khó vì không có sẵn, lại không tiện công việc. Cuối cùng tôi quyết định chọn phương án một mình đi xe máy xuống tham dự lễ hội. 8 giờ là lễ hội bắt đầu khai mạc nên 5 giờ sáng tôi đã bắt đầu cuộc hành trình. Buổi sáng tháng 3 còn lạnh, cái rét luồn vào từng thớ thịt, nhất là đoạn đèo Hà Lan (TX. Buôn Hồ), mây phủ kín, xe ô tô nào đi qua cũng phải bật đèn sáng trưng. Bỗng nhiên, tôi cũng thấy hồi hộp, những người có kinh nghiệm, đi rất nhiều lần nhưng vẫn e dè với thời tiết không thuận lợi, huống gì mình quá bé nhỏ, đơn độc? Nhưng nghĩ đến những điều tuyệt vời mình sẽ có được ở phía trước, tôi bỗng mạnh mẽ lên hẳn, quyết đi đến nơi.

Chỉ trong 1 ngày hòa mình trong lễ hội, tôi được chiêm ngưỡng, thưởng thức những trò chơi dân gian độc đáo; những món ăn truyền thống; những làn điệu dân ca và cả tâm tình của những người con xa quê. Tôi đặc biệt tò mò với món “khâu nhục”, những lát thịt mỡ được rán kỹ càng, áp cùng miếng khoai lang to bở. Một bác thấy tôi chăm chú nhìn liền hỏi: cô phóng viên có dám thử món ăn dân tộc không? Chắc không đâu nhỉ, các cô chỉ ăn cao lương mỹ vị thôi. Tuy hơi bất ngờ nhưng tôi vẫn vui vẻ xin được ăn thử khiến bác rất vui, xởi lởi chỉ vẽ tỉ mỉ về cách thức nấu, ý nghĩa… của món khâu nhục khi tôi hỏi. Thậm chí bác còn chân tình: làm con gái bác nhé! làm cô gái Tày tiền bạc không có nhưng tình cảm luôn đậm đà như món khâu nhục vậy.

Tan ngày hội ra về mà lòng tôi lâng lâng vì hạnh phúc, những khó khăn ban đầu giờ chỉ thoang thoảng trong đầu và nó chỉ là những điều nhỏ nhặt so với kết quả mà tôi nhận được. Chợt nhận ra, đường xa mấy nhưng có ý chí, sự quyết tâm và lòng yêu nghề sẽ đều không thấy mỏi.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc