Những phụ nữ đam mê nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học với nam giới vốn không dễ, với phụ nữ càng khó khăn hơn nhiều. Dù thế, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã vượt qua trở ngại, thực hiện nghiên cứu thành công nhiều đề tài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đời sống xã hội.
Chuyển giao công nghệ trồng nấm cho người dân
Nhắc đến bà Đinh Thị Danh (nguyên Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana), người trồng nấm trên địa bàn huyện dường như ai cũng biết đến. Không chỉ tâm huyết, trăn trở tìm hướng đi phù hợp cho Trung tâm, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động trong và ngoài huyện, mà bà Danh còn là người nghiên cứu, tìm tòi các tiến bộ khoa học kỹ thuật để chuyển giao, giúp người dân ứng dụng vào việc trồng và sản xuất các loại nấm…
Bà Đinh Thị Danh giới thiệu về mô hình trồng nấm sò. |
Trong suốt 12 năm công tác tại Trung tâm Dạy nghề huyện (từ 2006 đến 2017), bà Danh đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học – công nghệ trong việc trồng các loại nấm và đã được ứng dụng rộng rãi trong các hộ dân thời gian qua như: Đề tài “Ứng dụng công nghệ trồng nấm rơm trong nhà tại vùng nông thôn huyện Krông Ana” (năm 2015) giúp người trồng nấm trồng đạt năng suất cao gấp 3 lần, tiết kiệm được 50% nguyên liệu, 80% diện tích nuôi trồng, 50% nhân lực so với phương pháp truyền thống. Với thành công của việc nghiên cứu nuôi trồng trong nhà kín, điều chỉnh được nhiệt độ, độ ẩm, đảm bảo vệ sinh trước và sau khi nuôi trồng đã tạo được nguồn nấm sạch, không có các phụ gia độc hại và có thể áp dụng quanh năm, thể hiện tính ưu việt của phương pháp trồng nấm rơm trong nhà. Hay như đề tài “Xây dựng mô hình trồng nấm sò (Pleurotus sajor-caju) và nấm linh chi (Ganaderma lucidum) tại huyện Krông Ana” (năm 2016), từ việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào xây dựng mô hình trồng hai loại nấm này để phát triển sản xuất đã tạo sản phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao; hình thành tư duy kinh doanh cho lao động vùng nông thôn nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, tàn tật trên địa bàn.
Với những nghiên cứu thành công trong kỹ thuật trồng nấm, Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana nói chung, bà Danh nói riêng không chỉ chuyển giao cho người dân các xã trong huyện mà còn giúp nhiều hộ dân, đặc biệt là thanh niên trên địa bàn các huyện khác như Ea Súp, Cư M’gar, Ea H’leo… học cách trồng nấm và triển khai nhân rộng tại địa phương. Theo bà Danh, trên địa bàn huyện hiện có trên 50 hộ dân trồng nấm các loại (nấm rơm, sò, mèo, linh chi); trong đó, chủ yếu tập trung ở thị trấn Buôn Trấp, xã Quảng Điền và Đray Sáp.
Đam mê nghiên cứu từ khi còn trên ghế giảng đường
Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, thế nhưng chị Hồ Thị Huyền Trang (sinh năm 1991, cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh) đã có những đề tài nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao vào đời sống. Đơn cử như trong năm 2017, Trang đã thực hiện thành công đề tài “Ứng dụng quy trình canh tác tổng hợp xây dựng mô hình trồng cây gấc hiệu quả kinh tế cao tại tỉnh Đắk Lắk”. Để thực hiện đề tài này, Trang phải đi thực tế tại hộ dân ở các huyện để nắm bắt tình hình, tuyên truyền, tư vấn kỹ thuật, tập huấn cho người dân hiểu về việc canh tác theo một quy trình tuân thủ chặt chẽ. Với thành công từ mô hình trồng theo hướng vô tính, trồng bằng giâm hom, gấc có cơm vàng, màng bọc đỏ tươi rất đậm và dày thớ, năng suất lại cao gấp 2-3 lần so với Gấc nếp, được người dân đồng tình hưởng ứng.
Chị Hồ Thị Huyền Trang giới thiệu về sản phẩm chế biến từ cây gấc. |
Trước đó, Trang cũng đã thực hiện thành công đề tài về “Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm hoa lan Miltonia sp. và cây hồng môn (Anthurium adreanum) bằng cây giống nuôi cấy mô tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk”. Được biết, để có được những thành quả này, Trang đã tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ khi mới là sinh viên năm 2, Khoa Công nghệ sinh học, Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh. Với niềm say mê nghiên cứu khoa học, từ khi còn đi học, Trang đã tham gia thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, chủ yếu về mảng dược chất và hợp chất tự nhiên để chữa bệnh… “Đây cũng là tiền đề quan trọng để sau khi ra trường, vào làm việc tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh, tôi có thể nhanh chóng bắt tay vào thực hiện các đề tài khoa học mang tính thực tế hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, men vi sinh…” Trang chia sẻ. Hiện nay, Trang đang tiến hành thực hiện một đề tài khoa học về các loại nấm khác nhau như nấm chân dài, nấm bào ngư…
Giành trọn đam mê cho khoa học, theo Trang việc cân đối thời gian giành cho gia đình và công việc là điều không dễ. Để viết được một thuyết minh, báo cáo tổng kết cần tập trung cao độ, tìm kiếm, đọc, lọc, thống kê tài liệu trong và ngoài nước, đi lại phối hợp làm việc với các hộ dân ở huyện xa… mất rất nhiều thời gian. Hơn thế nữa, do tuổi đời còn trẻ nên khi triển khai thực hiện các đề tài, ban đầu người dân chưa tin tưởng nên chưa phối hợp, do đó, Trang phải bỏ rất nhiều thời gian thuyết phục, chứng minh khả năng và ưu thế của mô hình, hướng đi mới…
Quả thực, bà Danh, chị Trang chỉ là hai trong nhiều phụ nữ có nhiều tâm huyết trong việc nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh. Chính sự đam mê và thành công của họ đã góp phần vào sự phát triển của địa phương nói chung cũng như ngành khoa học – công nghệ nói riêng.
Thúy Dung
Ý kiến bạn đọc