Multimedia Đọc Báo in

Tuổi cao vẫn hăng say công tác hội

06:50, 07/06/2018

Dù đã 77 tuổi, nhưng bà Bùi Thị Phượng (thôn 12, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar) vẫn luôn giữ tinh thần, thái độ sống tích cực, trẻ trung.

Từ vùng đất Thái Bình vào Đắk Lắk sinh sống từ năm 1981, đến năm 1984 chồng không may mất sớm, một mình bà đã tần tảo chăm sóc mẹ chồng già yếu và nuôi 5 người con ăn học đến nơi đến chốn. Bao nhiêu nhọc nhằn trĩu nặng đôi vai người phụ nữ, nhưng bà chưa bao giờ chùn bước mà luôn nỗ lực vượt qua. Năm 1997, khi về nghỉ hưu, con cái lớn, bà Phượng có điều kiện tham gia các hoạt động tại địa phương một cách tích cực và hiệu quả.

Từ trải nghiệm cuộc sống, bà khéo léo tuyên truyền vận động bà con làng xóm đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư qua những việc làm cụ thể như xây dựng môi trường sống lành mạnh, gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Rất nhiều cô gái trẻ khi mới cưới chồng còn nhiều bỡ ngỡ về cuộc sống gia đình, có những lúc “cơm không lành, canh không ngọt” đã tìm đến bà để được tư vấn. Chị Trần Thị Thúy An (xã Ea Kmút) cho biết: “Khi biết vợ chồng tôi có những khúc mắc, bất đồng, bà Phượng đã đến động viên, không nói điều gì to tát, chỉ thủ thỉ về cuộc sống, về hạnh phúc gia đình, về sự hy sinh và nhẫn nhịn. Từ đó tôi hiểu ra và thay đổi…”. Chỉ có vậy mà gia đình chị An cũng như một số gia đình trẻ đã kịp hóa giải khúc mắc, neo giữ hạnh phúc.

Bà Bùi Thị Phượng (ngồi giữa) sinh hoạt với thành viên chi hội người cao tuổi.
Bà Bùi Thị Phượng (ngồi giữa) sinh hoạt với thành viên chi hội người cao tuổi.

Là Chi hội trưởng chi hội người cao tuổi (NCT) và Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) của thôn 12,  bà Phượng không nề hà bất cứ công việc gì. Đối với Đoàn thanh niên, bà luôn tìm cách để các bạn trẻ có dịp gặp gỡ, giao lưu, tạo sự gắn bó, đoàn kết và tích cực tham gia các hoạt động. Đối với chi hội NCT, bà luôn quan tâm sâu sát từng hội viên, thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, tạo niềm vui cho các cụ. Bà đến từng nhà để vận động các cụ vào hội, tích cực tham gia hoạt động, phong trào do hội đề ra. Nhờ vậy, chi hội NCT của thôn luôn dẫn đầu và đóng góp tích cực cho phong trào thi đua yêu nước tại địa bàn xã. Từ những thông tin được tìm hiểu trên truyền hình, sách báo hay từ các cuộc họp, bà Phượng truyền lại cho các hội viên để họ cùng hiểu về chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước và vận động con, cháu thực hiện. Riêng đối với phong trào của Hội CTĐ, bà thường xuyên vận động bà con hiến máu cứu người, tặng quà, thăm hỏi những hoàn cảnh khó khăn… Suốt 10 năm qua, phong trào hoạt động nhân đạo của thôn 12 luôn đứng đầu toàn xã.

Dù tuổi đã cao nhưng bà Phượng vẫn nhiệt tình tham gia các chương trình văn nghệ của Hội Phụ nữ trong những dịp lễ hội. Năm 2008, bà thành lập câu lạc bộ (CLB) dưỡng sinh dành cho mọi lứa tuổi. Khi đi vận động chị em tham gia, thấy nhiều người hoàn cảnh khó khăn ngại ngần do không đủ tiền đóng phí gia nhập CLB, bà liền bỏ tiền túi ra, mời tất cả những phụ nữ có nhu cầu cùng vào tham gia, sinh hoạt. Dần dần, nhận thấy hoạt động bổ ích của CLB, nhiều chị em đã rủ nhau tự nguyện tham gia. Đây cũng là nơi giúp chị em có thể chia sẻ những vui buồn của cuộc sống, cùng giúp đỡ nhau làm kinh tế.

Tích cực với hoạt động xã hội, bà Phượng vẫn dành thời gian chăm lo cho gia đình, rèn dạy con cái phải luôn sống tốt, thật thà, đạt tiêu chí gia đình văn hóa. Anh Nguyễn Văn Dương (con trai bà Phượng) tâm sự: “Mẹ chính là tấm gương sáng cho anh em chúng tôi noi theo, sự rèn dạy của mẹ giúp chúng tôi rất nhiều trong việc nuôi dạy con cái, nhất là ở thời hiện đại này”. Ông Đào Xuân Nghị, Bí thư Chi bộ thôn 12, xã Ea Kmút nhận xét: Bà Phượng luôn tham gia tích cực các hoạt động của địa phương, đi đầu trong thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đặc biệt, bà Phượng có tấm lòng nhân hậu, luôn quan tâm giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên được mọi người tin yêu, quý mến.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.