Vững tin với nghề báo!
Còn nhớ lúc mới bước chân vào nghề báo có người hỏi tôi rằng, lý do nào bạn chọn nghề này? Ngày đó, với tôi, nghề báo là một nghề thú vị, làm báo sẽ được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, được thỏa sức khám phá, nói lên những điều mình suy nghĩ. Giờ đây, khi đã là phóng viên của một tờ báo tỉnh, dù tuổi nghề chưa nhiều nhưng suy nghĩ về nghề báo trong tôi đã phần nào thay đổi.
Nói đến nghề báo người ta nghĩ ngay đến đặc thù là phải đi nhiều nơi, đặc biệt là những địa bàn xa xôi để tìm hiểu cuộc sống, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân để viết bài. Để có những bài viết sát thực, chất lượng, có những chuyến đi đòi hỏi người viết phải vượt quãng đường xa, băng rừng, lội suối thậm chí “ăn dầm, nằm dề” ở cơ sở nhiều ngày để thu thập thông tin. Lấy được tư liệu đã khó, nhưng bắt tay vào viết bài còn khó hơn bởi tác phẩm sống động hay khô khan, sâu sắc hay hời hợt đều phụ thuộc vào cách nhìn nhận, nắm bắt vấn đề và tư duy sáng tạo của người viết.
Còn nhớ có lần nhận được phản ánh của người dân ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, dù chỉ cách trung tâm xã chưa đầy 5 km nhưng gần 10 năm trời họ phải sử dụng nguồn điện “câu kéo” không thể phục vụ sinh hoạt, sản xuất và tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn. Nhận được thông tin, chúng tôi đã kịp thời ghi nhận và trao đổi trực tiếp với đơn vị quản lý điện lực của địa phương. Ban đầu, đơn vị quản lý không thực sự “mặn mà”, không đưa ra cho phóng viên câu trả lời thỏa đáng, nhưng sau đó, họ đã hợp tác. Sau khi bài báo được đăng tải, khoảng chừng nửa tháng sau, người dân cho hay ngành điện đã bắt đầu thi công công trình điện mới, giúp người dân yên tâm hơn khi sử dụng khiến chúng tôi ai cũng vui mừng. Lời cảm ơn của người dân khi ấy là món quà và cũng là động lực lớn lao giúp tôi càng vững tâm hơn với nghề.
Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Lắk tác nghiệp tại huyện Krông Bông. |
Có lẽ với người làm báo, những cái lắc đầu từ chối cung cấp thông tin, những cuộc hẹn bị hủy vào phút chót không còn xa lạ. Cách đây 3 năm, khi cùng cô bạn đồng nghiệp tới xã Ea Bung, huyện Ea Súp để tìm hiểu về tình hình an ninh trật tự tại địa bàn, chúng tôi được yêu cầu có sự chỉ đạo của Công an tỉnh mới được cung cấp tư liệu. Không đành lòng “tay trắng” ra về, chúng tôi quay ra đặt vấn đề với UBND xã tìm hiểu về tình hình xây dựng nông thôn mới tại địa phương thì nhận được câu trả lời phải được sự chỉ đạo của UBND huyện! Cuối cùng, chỉ vì không đáp ứng “quy định” đó, công sức vượt quãng đường gần trăm cây số của hai “lính mới” chúng tôi đành “bỏ sông bỏ bể ”.
Nghề báo đầy vinh quang nhưng cũng lắm hiểm nguy. Không ít trường hợp do phanh phui các hành vi sai phạm của một số tổ chức, cá nhân mà người làm báo bị đe dọa, hành hung, thậm chí cả người thân cũng bị liên lụy. Nhưng điều đó dường như vẫn không làm giảm đi nhiệt huyết, lòng yêu nghề. Rất nhiều các đồng nghiệp của tôi, những nhà báo, phóng viên, cộng tác viên của các tờ báo vẫn ngày ngày trăn trở tìm hiểu các đề tài gai góc để có những sản phẩm hay, chất lượng cho người đọc. Với người làm báo, có lẽ bảo vệ được quyền lợi và sự công bằng cho người dân chính là niềm hạnh phúc lớn nhất.
Tôi nhớ một câu nói của cố nhà báo Hữu Thọ: “Làm báo trung thực, công bằng, đúng mực thì sẽ được tin cậy, sự tin cậy của xã hội là phần thưởng cao quý nhất đối với người làm báo”. Thế nhưng trong thời đại báo mạng lên ngôi, nhiều tờ báo “lá cải” mang tính “mì ăn liền” cố tình đăng tải thông tin chộp giựt, sai sự thật để câu khách, hưởng lợi, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, cũng vì thế mà niềm tin vào báo chí của một bộ phận bạn đọc có phần giảm sút. Điều đó vô tình đã làm ảnh hưởng đến uy tín của những người làm báo. Dẫu vậy với tôi, không nghề gì vui mà thấm thía như nghề báo. Những nơi đã qua, những người đã gặp giúp người cầm bút trưởng thành hơn trong suy nghĩ và hành động. Kinh nghiệm và vốn sống mà nghề báo đã trao tặng sẽ là món quà vô giá tiếp thêm động lực cho tôi vững tin cùng nghề báo.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc