Multimedia Đọc Báo in

Người bí thư chi bộ "miệng nói tay làm"

09:15, 02/07/2018

Luôn phát huy tốt vai trò trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nhiệt tình, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua... là những nhận xét của người dân thôn 6 và lãnh đạo xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) khi nói về đảng viên Lê Văn Nhép, Bí thư Chi bộ thôn 6.

Năm 1984, ông Nhép cùng gia đình từ quê hương Thái Bình vào Đắk Lắk sinh sống. Vượt qua những khó khăn ban đầu, ông và gia đình đã dốc sức gây dựng cơ ngơi; kinh tế gia đình ngày một khá lên. Năm 2002, ông Nhép vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhận được sự tín nhiệm của nhân dân và cấp trên, năm 2004 ông được giao đảm nhiệm vị trí Trưởng thôn 6. Đến năm 2017, được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn.

Luôn tâm niệm phải thường xuyên gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của đảng viên, của nhân dân, mọi việc của Chi bộ ông đều cùng tập thể Chi ủy lấy ý kiến đảng viên, rồi đưa ra bàn bạc kỹ, sau đó cùng triển khai thực hiện. Chính vì thế, phong trào xây dựng thôn, xóm văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong cưới hỏi, tang ma, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, việc phát động xây dựng các loại quỹ... đều được cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thôn nhiệt tình ủng hộ, tích cực hưởng ứng. Đặc biệt, trong mỗi buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, ông thường tổ chức lồng ghép phổ biến, thông tin tình hình thời sự, gương người tốt, việc tốt, những điển hình trong các hoạt động ở địa phương để nhân rộng trong toàn chi bộ. Ông còn luôn gần gũi, quan tâm sâu sắc đến những hộ gia đình khó khăn, động viên họ vươn lên trong cuộc sống…

Mô hình giống bò lai của gia đình ông Lê Văn Nhép.
Mô hình giống bò lai của gia đình ông Lê Văn Nhép.
 
“Sự tích cực của người đứng đầu cấp ủy như Bí thư chi bộ Lê Văn Nhép đã góp phần giữ vững tình hình an ninh trật tự ở khu dân cư, bảo đảm môi trường trong sạch, nhân dân đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế”. 
 
 Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Sơn Trương Thị Bích Vân

Thôn 6 có 168 hộ thì có đến 107 hộ là đồng bào dân tộc Mường, chiếm gần 65%. Trước đây đời sống người dân trong thôn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, người dân chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhận thấy việc đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp và đưa giống mới vào nuôi trồng là nhu cầu cấp bách nên ông Nhép đã tiên phong đi đầu. Trước hết là tìm giống vật nuôi phù hợp với địa phương là bò và gà để mở rộng chăn nuôi. Ông Nhép là người đầu tiên trong thôn đưa giống bò lai về nuôi. Sau khi thấy giống bò lai mang lại năng suất gấp đôi bò thường thì ông mới hướng dẫn các hộ khác làm theo. Hiện nay gia đình ông Nhép đang duy trì hiệu quả mô hình vườn – ao - chuồng với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. “Việc gì cũng vậy, cán bộ phải là người có uy tín, luôn gương mẫu đi trước, làm trước, “miệng nói tay làm, nói ít làm nhiều” thì người dân mới làm theo. Hơn nữa, “trăm nghe không bằng một thấy” nên dù mình có tuyên truyền như thế nào đi chăng nữa nhưng người dân chưa thấy được hiệu quả thì cũng chưa muốn làm theo”, ông Nhép tâm sự.

Bí thư Chi bộ Lê Văn Nhép luôn gần gũi để chia sẻ khó khăn với người dân trong thôn.
Bí thư Chi bộ Lê Văn Nhép luôn gần gũi để chia sẻ khó khăn với người dân trong thôn.

Nhận xét về Bí thư Chi bộ thôn 6 Lê Văn Nhép, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Sơn Trương Thị Bích Vân cho biết, ngoài gương mẫu trong các phong trào, ông Nhép còn là một trong những tấm gương điển hình trong sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương. Không những chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông còn tuyên truyền, vận động bà con áp dụng các hình thức phát triển kinh tế phù hợp với từng hộ gia đình. Nhờ vậy đến nay số hộ nghèo trong thôn chỉ còn 32 hộ, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.