Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Cư Dliê Mnông góp sức xây dựng nông thôn mới

08:41, 18/07/2018

Trong những năm qua, cùng với các tổ chức đoàn thể khác trên địa bàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Cư Dliê Mnông (huyện Cư M’gar) đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Một trong những hoạt động nổi bật của Hội LHPN xã Cư Dliê Mnông là đảm nhận các “Đoạn đường phụ nữ tự quản”. Mô hình được thực hiện vào năm 2012, khi mới triển khai chỉ có 10 chi hội tham gia đảm nhiệm 10 đoạn đường, đến nay đã tăng lên 17 “Đoạn đường phụ nữ tự quản” ở 16/16 chi hội trên địa bàn xã. Ngoài việc dọn dẹp hằng ngày, định kỳ mỗi tháng các hội viên đều tổ chức quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải trên các tuyến đường; riêng Chi hội phụ nữ thôn Đắk Hà Đông và Đắk Hà Tây mỗi tuần thực hiện một lần. Từ khi các tuyến đường được gắn biển “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, tình hình vệ sinh môi trường đã được cải thiện rõ rệt, không còn tình trạng xả rác thải, nước thải ra đường. Đặc biệt, trên các tuyến đường này, các hội viên phụ nữ đang triển khai trồng hoa, tạo vẻ mỹ quan xanh - sạch - đẹp cho các tuyến đường...

Bà H’Yuôr Kdoh (trái), Chủ tịch Hội LHPN xã  Cư Dliê Mnông trao đổi,  chia sẻ  kinh nghiệm làm kinh tế  với một hội viên ở thôn 3.
Bà H’Yuôr Kdoh (trái), Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Dliê Mnông trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế với một hội viên ở thôn 3.

Cùng với “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, Hội LHPN xã còn vận động các hội viên xây dựng được 2 mô hình thu gom rác thải, có 50 hộ tham gia; vận động được 1.124 hộ mua thùng rác có nắp đậy tại gia đình, 1.452 hộ đào hố xử lý rác thải, 1.862 hộ làm công trình vệ sinh tự hoại, 95 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tận dụng bao, bạt, ván cũ và đào hố để làm nhà vệ sinh và 48 hộ di dời chuồng, trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ra xa khu vực nhà ở để bảo vệ môi trường.

Sự đóng góp tích cực của phụ nữ xã Cư Dliê Mnông đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đến nay xã Cư Dliê Mnông đã đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới.

Xác định nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho hội viên là tiêu chí quan trọng góp phần cùng địa phương trong xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, Hội LHPN xã Cư Dliê Mnông đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Tính đến nay, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và Ngân hàng Sea Bank (chi nhánh Quảng Phú) giúp các hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay được trên 3 tỷ đồng; đồng thời xây dựng và duy trì được nhiều tổ “góp vốn quay vòng”, nhóm “phụ nữ tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế”… góp được hơn 1,2 tỷ đồng, giúp 140 lượt hội viên được vay vốn. Hội còn khuyến khích, động viên chị em tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng phát triển các loại cây, con có giá trị kinh tế cao. Từ những hoạt động thiết thực trên, nhiều chị em đã mạnh dạn mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển ngành nghề dịch vụ, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng. Số hộ nghèo giảm, hộ có kinh tế khá giàu ngày càng tăng, đời sống vật chất tinh thần của chị em được cải thiện và nâng cao. Từ đó, tích cực tham gia công tác Hội và phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, nhất là chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2016 đến nay, các hội viên, phụ nữ xã Cư Dliê Mnông đã đóng góp 122 ngày công lao động, 185 triệu đồng xây dựng hạ tầng nông thôn; nhiều hộ tự nguyện hiến đất để nâng cấp, mở rộng và uốn nắn các con đường cho thẳng đẹp mà không hề đòi hỏi một sự đền bù hay hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương (đặc biệt có hội viên đã tự nguyện hiến 113 m2 đất).

“Đoạn đường phụ nữ tự quản” ở thôn Đắk Hà Tây.
“Đoạn đường phụ nữ tự quản” ở thôn Đắk Hà Tây.

Bên cạnh đó, Hội LHPN xã Cư Dliê Mnông còn có nhiều hoạt động thiết thực góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Đến nay, Hội đã xây dựng được mô hình “Đảm bảo an ninh trật tự” tại tổ 2 (buôn Pơng); câu lạc bộ “Tiếng kẻng an ninh” tại thôn 3; câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”; câu lạc bộ “Phòng chống bạo lực gia đình”… Các mô hình, câu lạc bộ sinh hoạt dưới nhiều hình thức đa dạng với nội dung phong phú, lồng ghép các chỉ tiêu thi đua, qua đó đã góp phần tích cực trong bảo đảm  an ninh trật tự tại địa phương. Ngoài ra, các hội viên phụ nữ còn phát huy tốt vai trò nòng cốt trong quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội tệ nạn xã hội, cũng như tham gia công tác hòa giải, giải quyết các vụ việc phức tạp, điểm nóng về an ninh trật tự… ở địa phương.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.