Multimedia Đọc Báo in

San sẻ yêu thương bằng những điều giản dị

08:34, 12/07/2018

Sát cánh, sẻ chia yêu thương bằng những điều giản dị, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã góp phần tạo động lực giúp hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh vươn lên trong cuộc sống.

Tạo cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp

Hoạt động từ nhiều năm nay, mô hình “Nuôi heo đất giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” của Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được đông đảo hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Với hình thức đóng góp 20 nghìn đồng/tháng/hội viên, nguồn quỹ được Hội sử dụng đúng với mục đích đề ra, đó là giúp hội viên, phụ nữ khó khăn phát triển kinh tế; thăm hỏi những lúc ốm đau, hoạn nạn.

Thượng úy H’Quý Rơ Chăm, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chia sẻ, mỗi năm đơn vị sẽ tổ chức “mổ” heo một lần. Sau khi khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế, Hội sẽ họp bàn hướng hỗ trợ phù hợp đối với từng đối tượng. Với nguồn quỹ có được, từ năm 2016 đến nay, Hội đã hỗ trợ vốn khởi nghiệp giúp 2 phụ nữ trên địa bàn và một hội viên phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống. 

Mô hình “Nuôi heo đất giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” của Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Mô hình “Nuôi heo đất giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” của Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Các con còn quá nhỏ, công việc của chồng không ổn định nên cuộc sống gia đình Thượng úy Vũ Thị Thúy Hà (nhân viên Phòng Tham mưu) gặp nhiều khó khăn. Được đồng đội quan tâm hỗ trợ vốn, vợ chồng chị quyết định nuôi bồ câu Pháp nhằm phát triển thêm kinh tế gia đình. Chị Hà cho biết, do có sẵn một chút kinh nghiệm nên việc nuôi bồ câu Pháp không quá khó. Hơn 3 tháng kể từ ngày thực hiện mô hình, hiện anh chị đang nuôi 8 cặp con giống và đã bán được 7 cặp lớn, nhỏ. Số tiền thu được chưa nhiều, nhưng đã phần nào giúp chị có thêm kinh phí trang trải trong gia đình.

Đã nhiều tháng qua, nhưng niềm vui với vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhuần (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) như vẫn còn lâng lâng. Chồng bị tai nạn, sức khỏe giảm sút, không làm được việc nặng nên chị Nhuần bất đắc dĩ phải gồng gánh tất cả. Kinh tế khó khăn lại nuôi hai con đang tuổi ăn tuổi học nên ai thuê gì chị làm việc đó. Thấu hiểu hoàn cảnh chị, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã hỗ trợ gia đình vốn để chăn nuôi bò sinh sản. Chị trải lòng, trong lúc cuộc sống gia đình chật vật, túng thiếu, được bộ đội sẵn sàng chìa tay ra giúp đỡ khiến chị thấy mình như có động lực hơn để cố gắng.

Thượng úy H’Quý Rơ Chăm, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (thứ hai từ phải sang) trò chuyện, tâm tình cùng các hội viên.
Thượng úy H’Quý Rơ Chăm, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (thứ hai từ phải sang) trò chuyện, tâm tình cùng các hội viên.

Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa

Trên địa bàn đóng quân, một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tồn tại hủ tục, quan niệm lạc hậu, ăn sâu trong đời sống. Đơn cử là tục nối dây của đồng bào Êđê, hủ tục mang đến nhiều bi kịch trong đời sống sinh hoạt gia đình, đặc biệt là người phụ nữ. Từ thực tế đó, Hội đã chủ động tham mưu, đồng thời tiên phong trong công tác tuyên truyền. Cùng các thành viên của Đội Tuyên truyền văn hóa cơ sở, Hội Phụ nữ đã sáng tác các tiểu phẩm gần gũi, dễ hiểu; không quản khó đến các vùng sâu vùng xa, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào cho bà con hiểu. Thông qua hàng chục buổi tuyên truyền, với hàng chục nghìn lượt bà con tham dự, đơn vị đã phần nào giúp bà con thấy rõ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; những bi kịch, hệ lụy của các cuộc hôn nhân không dựa trên nền tảng tình yêu...

 

“Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục thực hiện chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, tổ chức thăm, tặng quà, giao lưu văn nghệ tại huyện biên giới Buôn Đôn; phối hợp cùng Cụm lực lượng vũ trang tỉnh hỗ trợ phụ nữ sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu”. 

 
 
Thượng úy H’Quý Rơ Chăm, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Nhận thức rõ, gia đình luôn là điểm tựa vững chắc để quân nhân vượt qua khó khăn, Hội đã tham mưu thành lập Câu lạc bộ “Gia đình nữ quân nhân hạnh phúc”. Hơn một năm hoạt động, Hội đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo với các nội dung “Giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn xâm hại trẻ em gái”, “Chăm sóc sức khỏe sinh sản”; triển khai cho 100% gia đình hội viên đăng ký xây dựng “Gia đình hạnh phúc”; gặp mặt, biểu dương học sinh giỏi, học sinh xuất sắc là con em sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng trong lực lượng... Với nhiều hoạt động ý nghĩa, Câu lạc bộ đã trở thành địa chỉ tin cậy để hội viên phụ nữ ngày càng hoàn thiện mình hơn trong vai trò làm dâu, làm vợ, làm mẹ. 

Song song với các hoạt động nói trên, các chị còn tổ chức các đợt hành quân về nguồn, thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình khó khăn, gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng nhân các dịp lễ, Tết. Đặc biệt, thực hiện chương trình “Hướng về phụ nữ biên cương”, Hội đã tổ chức tuyên truyền trách nhiệm của phụ nữ trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; vận động 100% cán bộ, chiến sĩ lực lượng tham gia hưởng ứng chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, qua đó đã nhắn 300 tin, tương đương với số tiền ủng hộ 60 triệu đồng.

Thượng úy H’Quý Rơ Chăm tâm tình rằng, nhờ triển khai hiệu quả, bám sát chủ đề, nội dung của từng thời điểm hoạt động, nên chất lượng, hiệu quả các phong trào ngày càng được nâng lên. Qua đó, càng khẳng định rõ vai trò, vị thế của hội viên phụ nữ trong đóng góp vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở đơn vị.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.