Multimedia Đọc Báo in

Bát nháo thị trường thực phẩm chức năng

11:04, 21/08/2018

Hiện nay, thực phẩm chức năng (TPCN) đang là xu hướng lựa chọn của nhiều người tiêu dùng để chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, sản phẩm của thị trường này đang bị “thổi phồng” về công dụng, trong khi chất lượng thì rất khó... đoán!.

TPCN đang được bày bán phổ biến, cả khu vực thành thị lẫn nông thôn trong tỉnh với giá “trên trời”. Mặt hàng này không chỉ được bày bán trong các nhà thuốc như trước đây, mà hiện nay, không khó để tìm mua một sản phẩm TPCN ở tiệm mỹ phẩm hay cửa hàng tạp hóa. Thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 1.000 cơ sở kinh doanh TPCN, trong đó có 900 nhà thuốc, đại lý thuốc có kinh doanh TPCN.

Trên thị trường, TPCN hiện có đến hàng trăm chủng loại như trà thảo dược, bột giảm cân, trà, bột dinh dưỡng... Theo như quảng cáo của một nhân viên bán hàng đa cấp, những sản phẩm này có tính năng “hỗ trợ” chữa các bệnh về tim mạch, huyết áp, suy dinh dưỡng, béo phì, xương khớp, tiêu hóa, thậm chí là “bữa ăn sạch” bảo đảm dinh dưỡng... Có các dòng sản phẩm dành cho người lớn, trẻ em, người già với giá tiền cũng không hề rẻ. Trung bình mỗi sản phẩm có giá cũng gần 1 triệu đồng, có những sản phẩm lên đến 2 - 3 triệu đồng.

Cán bộ của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng tại một cửa hàng thuốc trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.    Ảnh: Đ.Lan
Cán bộ của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng tại một cửa hàng thuốc trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Đ.Lan

Gần đây, các sản phẩm này được tiêu thụ khá nhanh qua hình thức kinh doanh đa cấp và bán hàng online. Đáng nói hơn là tình trạng “thổi phồng” công dụng của sản phẩm như một loại “thần dược” để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa của một số doanh nghiệp, người bán hàng. Riêng đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, theo Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có hơn 20 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực bán hàng đa cấp với các mặt hàng chủ yếu là TPCN, mỹ phẩm, sản phẩm hỗ trợ sức khỏe, hàng gia dụng... Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh diễn ra với nhiều biến tướng và hoạt động không theo quy định, một trong các hành vi vi phạm là thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.

Trong khi đó, Hiệp hội TPCN Việt Nam thông tin, nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 63 sản phẩm TPCN của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay cả nước đã có tới 4.190 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh, với khoảng 10.930 sản phẩm đang lưu hành. Sự phát triển này cũng khiến việc kiểm soát hoạt động kinh doanh TPCN thêm khó khăn. Nhiều vụ phát hiện và thu giữ gần đây cho thấy, TPCN bị làm giả một cách rất tinh vi và có nhãn mác, thậm chí dán tem không khác gì hàng chính hãng. Một thủ đoạn khác nữa là hàng hóa kém chất lượng, trôi nổi được giới thiệu là “hàng xách tay” để đánh vào lòng tin của người tiêu dùng, bán với mức giá cao gấp nhiều lần giá trị thực.

A
Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra việc bày bán thực phẩm chức năng tại một nhà thuốc ở huyện Ea H'leo. Ảnh: Đ.Lan

Trên thực tế, giá của một sản phẩm TPCN tuy rất cao, nhưng chất lượng lại  chủ yếu được đổi bằng... niềm tin với người bán. Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Văn Tiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, hầu hết TPCN được người dùng mua theo truyền miệng hoặc quảng cáo. Đáng nói hơn, tin tưởng vào những lời quảng cáo “có cánh”, nhiều người tiêu dùng vẫn lầm tưởng đây là một loại thuốc chữa bệnh nên “trút” không ít tiền chi tiêu vào đó với mong muốn mang lại hiệu quả “bất ngờ”. Theo quy định, một sản phẩm TPCN được bày bán phải bảo đảm các quy định, trong đó, có công bố chất lượng. Thế nhưng, thiếu sót của nhiều người tiêu dùng là bỏ qua thông tin này.

Theo bác sĩ Chuyên khoa I Trần Văn Tiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, về phía người tiêu dùng cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ và lựa chọn sản phẩm phù hợp như xem thông tin về nhãn mác, bao bì sản phẩm; số công bố do Cục An toàn thực phẩm đã cấp... Đặc biệt, người tiêu dùng nên hiểu TPCN chỉ là sản phẩm hỗ trợ, không phải là thuốc nên không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

 

Về công tác kiểm tra, quản lý ở lĩnh vực này, trong năm 2017, Đoàn kiểm tra liên ngành thường trực 389 của tỉnh đã thực hiện 15 vụ kiểm tra ở lĩnh vực dược, mỹ phẩm, TPCN và phát hiện 12 vụ vi phạm. Qua đó, đã xử lý vi phạm hành chính trên 420 triệu đồng, buộc tiêu hủy hơn 1.700 sản phẩm mỹ phẩm, TPCN các loại. Theo Đoàn kiểm tra, vi phạm ở lĩnh vực này thường rơi vào nhãn mác, hàng nhập lậu và chưa công bố chất lượng.

Trong bối cảnh đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã và đang tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh TPCN, trong đó chú trọng kiểm tra và phát hiện vi phạm về việc bày bán các loại TPCN đã được cơ quan chức năng thông báo thu hồi sản phẩm, cố tình kê TCPN vào đơn thuốc, ghi sai công năng với bản chất vốn có của sản phẩm... UBND tỉnh cũng đã có văn bản giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh các biện pháp quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp kinh doanh và người tham gia theo phương thức đa cấp, trong đó có kinh doanh TPCN trên địa bàn. Theo đó, tập trung kiểm tra nguồn gốc, chất lượng, xuất xứ hàng hóa, nghĩa vụ đăng ký hoạt động với cơ quan thẩm quyền, việc tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, kê khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế của doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp tại địa phương… nhằm kịp thời ngăn ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.