Multimedia Đọc Báo in

Bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát: Cần có giải pháp căn cơ (Kỳ cuối)

08:52, 29/08/2018

Kỳ 1: Ồ ạt di cư tự phát đến Đắk Lắk

Kỳ 2: Nhiều khó khăn, hệ lụy

Kỳ cuối: Nỗ lực bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát

Được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng, nỗ lực xây dựng, triển khai quy hoạch tổng thể bố trí ổn định dân cư. Tuy nhiên để giải quyết triệt để vấn đề này, bên cạnh việc quan tâm, đầu tư nguồn lực rất cần những giải pháp căn cơ, lâu dài.

Nguồn lực là yếu tố then chốt

Thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện rà soát bổ sung quy hoạch tổng thể Chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, UBND tỉnh đã lập 17 dự án, phê duyệt 15 dự án với mục tiêu bố trí cho 6.527 hộ với 32.635 khẩu di cư tự phát, tổng mức đầu tư hơn 867,29 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương trên 618,4 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương, vốn lồng ghép và các nguồn vốn khác. Lũy kế vốn bố trí cho 13 dự án đến hết kế hoạch năm 2015 là trên 189,5 tỷ đồng, số vốn trong giai đoạn 2016-2020 là gần 421,9 tỷ đồng. Như vậy, tính hết giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh còn thiếu khoảng 200 tỷ đồng.

Do nguồn vốn bố trí chậm và không đủ theo kế hoạch nên đến nay, tỉnh mới đang triển khai 13 dự án và chưa có dự án nào hoàn thành mục tiêu, 4 dự án chưa được thẩm định nguồn theo quy định của Luật Đầu tư công. Các dự án được triển khai mới chỉ bố trí, sắp xếp ổn định cho 2.986 hộ với 9.697 khẩu, chủ yếu là dân tộc Hmông, Tày, Dao, còn lại hơn 4.111 hộ với 20.102 khẩu chưa bố trí, sắp xếp.

Hơn 160 hộ dân ở thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) đã được cấp sổ hộ khẩu sau hơn 20 năm sinh sống trên địa bàn.
Hơn 160 hộ dân ở thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) đã được cấp sổ hộ khẩu sau hơn 20 năm sinh sống trên địa bàn.

Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương có dân di cư đến cũng đã nỗ lực triển khai các dự án sắp xếp, ổn định dân cư. Tại huyện Cư M’gar, ngoài kế hoạch vốn được giao từ năm 2010 đến năm 2017 là 16 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại điểm dân cư buôn Hmông, xã Ea Kiết, UBND huyện đã lồng ghép các nguồn vốn khác với tổng kinh phí gần 4,5 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông, trường học, nhà vệ sinh, hỗ trợ sản xuất cho người dân vùng dự án.

Huyện Krông Bông cũng đã tích cực triển khai 3 dự án ổn định dân di cư tự phát ở Ea Lang, Ea Rớt (xã Cư Pui) và Noh Prông (xã Hòa Phong). Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho hay, để ổn định dân di cư tự phát, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn ưu tiên nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước và các tổ chức khác để xây phòng học, sân chơi, giếng nước, hệ thống điện năng lượng mặt trời cho các thôn người Hmông. Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác phối hợp, 172 hộ dân thôn Ea Rớt đã được cấp sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân sau hơn 20 năm định cư tại đây.

Hướng tới giải pháp căn cơ, lâu dài

Theo kế hoạch, giai đoạn 2018-2020, UBND tỉnh tập trung giải quyết dứt điểm các dự án đang triển khai, ưu tiên các dự án gần hoàn thành và mở mới 4 dự án để sắp xếp, bố trí, ổn định cho 4.111 hộ với 20.102 khẩu di cư tự phát nằm trong vùng quy hoạch dự án. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các huyện có dân di cư tự phát xây dựng, triển khai phương án di dời các hộ vào vùng quy hoạch dân cư để bố trí đất ở, đất sản xuất gắn với quy hoạch Đề án xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt. Đồng thời thông báo cho các tỉnh có dân di cư tự phát đến Đắk Lắk có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với tỉnh nhằm xử lý, tổ chức tuyên truyền, vận động bà con, đưa họ về tái định cư ở quê cũ.

Công trình điện năng lượng mặt trời được tài trợ xây dựng tại thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông)
Công trình điện năng lượng mặt trời được tài trợ xây dựng tại thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông).

UBND tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương và các chủ rừng, chủ dự án tăng cường hơn nữa công tác quản lý chặt chẽ địa bàn, dân cư, quản lý, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, kiên quyết chuyển các hộ dân ra khỏi vùng xung yếu, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, phối hợp giải quyết đăng ký thường trú cho những trường hợp đủ điều kiện theo quy định, bảo đảm cho người dân thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân…

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê, việc quan tâm triển khai các dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát đã tạo điều kiện cho các hộ dân sớm ổn định đời sống nơi quê hương mới nhưng lại tạo sự kích thích các hộ dân tiếp tục di cư ngoài kế hoạch đến tỉnh, dẫn tới tình trạng quá tải, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch của dự án, tác động không nhỏ đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của địa phương. Vì vậy, để sắp xếp, giải quyết vấn đề dân di cư tự phát, Chính phủ cần có biện pháp căn cơ, lâu dài, sửa đổi các chính sách phù hợp hơn.

Cũng theo Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê, để tạo điều kiện cho dân di cư tự phát ổn định cuộc sống, UBND tỉnh Đắk Lắk mong muốn Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc lâm nghiệp không còn rừng hoặc không có khả năng phục hồi rừng đã được người dân sử dụng ổn định vào mục đích sản xuất nông nghiệp từ ngày 1-7-2014 trở về trước và đã hình thành khu dân cư ổn định, không có tranh chấp. Đồng thời bố trí đủ số vốn ngân sách Trung ương còn thiếu trên 200 tỷ đồng để tỉnh triển khai hoàn thành các dự án.

Trong cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Đắk Lắk về tình hình di dân tự phát trên địa bàn mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh: “Việc thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di cư tự phát phải gắn với các chương trình, dự án trên địa bàn để khi thực hiện bảo đảm được điều kiện sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập để ổn định đời sống lâu dài cho người di dân tự phát, nhằm hạn chế tình trạng di dân không theo kế hoạch”.

Nguyễn Xuân – Lê Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.