Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình "Tổ thu gom phế liệu làm từ thiện"

09:27, 13/08/2018
Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình “Tổ thu gom phế liệu làm từ thiện” của phụ nữ tổ dân phố 1 (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân, đồng thời tạo nguồn quỹ hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.
 
Thực tế có những vật thải sau khi sử dụng như túi nilon, chai lọ, vỏ nhựa, thùng giấy… thường bị các hộ gia đình vứt vương vãi, làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường. Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời gây quỹ giúp đỡ hội viên, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn, Chi hội phụ nữ tổ dân phố 1 (TDP 1) đã thống nhất thành lập mô hình “Tổ thu gom phế liệu làm từ thiện”, triển khai từ tháng 5-2017. 
 
Tiền bán phế liệu được bỏ vào heo để làm từ thiện.
Tiền bán phế liệu được bỏ vào heo để làm từ thiện.
Chị Dương Thị Tình, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ TDP 1 cho hay, khi mới triển khai mô hình, người dân chưa ý thức được việc thu gom phế liệu, bán lấy tiền làm từ thiện. Phần lớn đều cho rằng sẽ mất một khoảng thời gian để thu lượm nhưng số tiền thu chẳng được là bao nên vẫn giữ thói quen vứt vào thùng rác. Các thành viên trong tổ thu gom đã phải đến từng nhà tuyên truyền để mọi người hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của việc làm này,  từ đó tích cực tham gia mô hình. Nhờ vậy từ 10 hộ gia đình hội viên tham gia ban đầu, đến nay đã tăng lên 30 hộ.
 
Các hộ dân tham gia mô hình sẽ tự thu gom, phân loại rác ngay tại nhà. Đối với loại rác có thể tái chế như vỏ lon bia, chai nhựa, giấy vụn sẽ được chủ nhà chủ động đưa đến tập kết tại nhà chi hội trưởng. Những hộ không có thời gian mang đến, tổ sẽ cử từ 1-2 thành viên đến tận nơi để lấy. Vào các ngày thứ 7 hoặc chủ nhật hàng tuần, các loại phế liệu sẽ được các thành viên trong tổ thu gom tiếp tục phân loại, đóng vào bao rồi đem bán. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán phế liệu sẽ được bỏ vào heo đất dành để thăm hỏi, hỗ trợ hội viên, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
 
Các thành viên trong tổ thu gom đang phân loại phế liệu.
Các thành viên trong tổ thu gom đang phân loại phế liệu.
Đến cuối năm 2017 (sau 7 tháng triển khai) đã thu được 2.510.000 đồng. Từ nguồn quỹ này, Chi hội phụ nữ TDP 1 đã mua 8 suất quà (mỗi suất trị giá 200 nghìn đồng) tặng 8 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Nhận thấy ý nghĩa và hiệu quả từ mô hình đem lại, nhiều người dân trong khu dân cư, các cửa hàng tạp hóa, quán cà phê cũng đã chủ động phân loại rác, phế liệu đem đến ủng hộ cho tổ thu gom.
 
"Trong thời gian tới, chi hội sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia, số tiền thu được sẽ dùng để mua thẻ bảo hiểm y tế cho những chị em thường hay đau ốm, bệnh tật"
 
– Chị Dương Thị Tình, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ dân phố 1

Từ khi “Tổ thu gom phế liệu làm từ thiện” ra đời, các thành viên trong tổ đã có ý thức hơn về lợi ích của việc thu gom phế liệu và tự giác thực hiện. Chị Lê Thị Yến (một thành viên của tổ thu gom) kể rằng, trước đây toàn bộ rác thải sinh hoạt của gia đình đều cho vào một túi rồi mang ra thùng rác nhưng từ ngày tham gia vào tổ, chị đã biết cách phân loại rác và tự giác thu nhặt phế liệu bị vứt bỏ. Ngoài số phế liệu thu gom được từ các hộ gia đình, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, khi đi tập thể dục hay đi chợ, chị Yến cùng các thành viên khác trong tổ lại lượm chai lọ, vỏ lon bia, giấy bìa … bị vứt bừa bãi trên hè phố. “Việc thu gom không chỉ giúp cho môi trường sống xung quanh mình được sạch sẽ mà còn có một khoản tiền để giúp đỡ những chị em gặp khó khăn, bệnh tật”, chị Yến cho biết.

Có thể thấy, mô hình “Tổ thu gom phế liệu làm từ thiện” của phụ nữ TDP 1 đã phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống; tạo cho hội viên phụ nữ, người dân thói quen tiết kiệm, phân loại rác thải trong sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng khu phố xanh, sạch, đẹp.

 
Tuyết Mai
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.