Multimedia Đọc Báo in

Lưu dấu Trường Sa

08:56, 31/08/2018

Một trong những kỷ vật, quà tặng vô giá mà những ai may mắn được đặt chân lên biển đảo thân yêu của Tổ quốc vinh dự được Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng đó chính là chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa.

Trân trọng, tự hào và để xứng đáng với danh hiệu đó, những người được trao tặng dù ở cương vị công tác nào khi về đất liền cũng luôn cố gắng giới thiệu, phản ánh đậm nét cuộc sống sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió, đưa biển đảo quê hương đến gần với mọi người trong đất liền hơn...

Chắc hẳn trong ký ức những ai đã đến với Trường Sa, những hình ảnh của đêm cuối cùng trên boong tàu, trước ngày chia tay, rời tàu vào đất liền luôn là một kỷ niệm khó quên, đầy xúc động. Các thành viên, không phân biệt cương vị, tuổi tác cùng nhau nối vòng tay lớn, đồng thanh cất vang giai điệu của bài hát “Gần lắm Trường Sa” như minh chứng cụ thể, sinh động nhất của tình yêu đất nước, một quyết tâm cùng nhau chung sức đồng lòng, quyết tâm bảo vệ biển đảo quê hương, nơi mà mình vừa có cơ hội đặt chân đến. Và giây phút cảm động trào dâng nhất là khi từng thành viên trong đoàn nghe xướng tên, bước lên đón nhận Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa do các đồng chí lãnh đạo lực lượng Hải quân trao tặng và trân trọng gắn lên ngực. Tấm Huy hiệu nhỏ nhắn, có biểu tượng mũi neo và Hải quân Việt Nam; cùng tấm bằng màu đỏ, ghi thông tin cụ thể của từng cá nhân, đơn vị công tác cũng như thời gian công tác tại Trường Sa, nội dung “đã đến thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa Tổ quốc”.

Lính đảo Trường Sa tặng quả bàng vuông, loài cây đặc trưng của Trường Sa cho khách đến thăm.
Lính đảo Trường Sa tặng quả bàng vuông, loài cây đặc trưng của Trường Sa cho khách đến thăm.
Trong hành trang về đất liền của mỗi người đã đến với Trường Sa luôn có những tặng phẩm của lính đảo, đó có thể là một nhánh san hô, một quả bàng vuông, hay một con sò được lấy từ chính Trường Sa.

Lưu luyến chia tay biển đảo của Tổ quốc, trở về với đất liền, chiếc Huy hiệu cùng tấm bằng luôn được mọi người nâng niu, xem như là một báu vật để nhắc nhở bản thân về bổn phận, trách nhiệm phải xứng đáng với danh hiệu mình được trao tặng. Đối với những phóng viên, nhà báo chúng tôi, “những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng” thì đó còn là mệnh lệnh của trái tim, buộc bản thân phải trăn trở, suy tư, làm thế nào để chuyển tải đến bạn đọc, khắc họa một cách đầy đủ nhất cuộc sống sinh hoạt, chiến đấu kiên trường của các chiến sĩ ở Trường Sa để mọi người sẻ chia, yêu mến quê hương hơn. Trọng trách ấy nặng nề hơn, bởi trước khi được nhận chiếc huy hiệu, mọi người đều được chỉ huy trên tàu cho biết, với các chiến sĩ hải quân phải có thời gian công tác trên đảo 18 tháng kèm theo điều kiện không vi phạm kỷ luật thì mới được trao tặng. Ý thức trách nhiệm ấy đã thôi thúc mỗi phóng viên, nhà báo cố gắng khai thác, phản ánh, giúp bạn đọc có cái nhìn cận cảnh, toàn diện hơn về biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Các tác phẩm tinh thần đến tay bạn đọc, được bạn đọc đón nhận, làm lan tỏa tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc chính là những phần thưởng vô giá, những dấu ấn khó quên trong cuộc đời làm báo của những phóng viên, bên cạnh kỷ vật là chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa.

Phóng viên các báo đài chia tay cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Tây.
Phóng viên các báo đài chia tay cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Tây.

Trường Sa không chỉ được lưu dấu qua những tác phẩm báo chí của cánh phóng viên mà còn hiện hữu sống động qua những tặng phẩm, quà tặng đặc trưng được mang về từ chính Trường Sa. Đó là cây bàng vuông, loài cây biểu trưng cho sức sống mãnh liệt, cho ý chí kiên cường bất khuất của các chiến sĩ hải quân trước muôn vàn hiểm nguy, gian khó. Cây bàng vuông được trồng ngay khuôn viên Tỉnh ủy do Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Thượng Hải kỳ công mang về năm 2012. Để có một kỷ vật Trường Sa trên Tây Nguyên, anh Hải đã chuẩn bị đất từ đất liền đưa ra đảo, trộn với cát để bọc cây cẩn thận mang về trồng, chăm chút từng ngày. Hiện cây bàng vuông đã cao lớn, vững chãi, đến mùa lại ra hoa trắng muốt như níu chân khách đến thăm…

Trường Sa thân yêu của Tổ quốc còn được lưu dấu qua những câu chuyện kể của những già làng, trưởng buôn tiêu biểu đã một lần đến với biển đảo quê hương. Như già làng Y Hơ Êban (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn), với những câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sĩ Trường Sa luôn được già thuật lại cho các con, cháu, những thành viên trong gia đình cũng như bà con buôn làng trong những buổi hội họp. Trong tình cảm, suy nghĩ của già, dường như hành trình đến với biển đảo quê hương không có hồi kết, chưa bao giờ dừng lại mà mãi lưu truyền qua những câu chuyện mà bản thân đã được trải nghiệm, cảm nhận qua thực tế chuyến đi, để hình ảnh Trường Sa, biển đảo không thể tách rời của Tổ quốc luôn hiện hữu trong tâm trí, trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của bà con, đồng bào Tây Nguyên.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.