Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Thấp thỏm nỗi lo mất an toàn lưới điện khu vực nông thôn

08:22, 03/08/2018

Những năm gần đây, ngành Điện đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, một số lưới điện, đặc biệt ở khu vực nông thôn vẫn còn thiếu sự quan tâm đầu tư, cũng như việc nâng cao ý thức chấp hành an toàn về điện của người dân còn hạn chế dẫn đến những nguy cơ mất an toàn.

Gần 2 năm qua, hơn 13 hộ dân ở cụm 6, thôn 11 xã Hòa Thắng luôn thấp thỏm lo âu trước đoạn dây trần và trụ điện nghiêng, nứt không được sửa chữa. Theo  chị Lưu Thị Nguyên (Cụm trưởng cụm 6), hệ thống điện sinh hoạt tại đây đã được đầu tư từ lâu. Mùa mưa năm 2016, trụ điện cuối của hệ thống điện chính do Nhà nước đầu tư đã bị nghiêng, xuất hiện nhiều vết nứt bên dưới chân trụ. Trụ điện này hiện đang chịu tải hệ thống đường dây tự kéo của 7 hộ dân phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất cây giống. Vào mùa mưa bão, trụ điện này có nguy cơ gãy đổ rất cao, gây bất an cho người dân trong khu vực. Bên cạnh đó, khoảng hơn 50 m dây dẫn điện từ trụ điện bị nghiêng đến trụ điện phía trước đó là dây trần, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, bằng mắt thường có thể nhận thấy một số đoạn có hiện tượng đứt gãy, võng xuống thấp rất nguy hiểm. Các hộ dân ươm cây giống phải dùng cây gỗ chống dây điện lên mới đủ khoảng cách an toàn cho xe chạy chở đất vào bên trong. Do đoạn dây dẫn điện xuống cấp nên chất lượng điện sinh hoạt của các hộ dân cũng bị ảnh hưởng, chập chờn, nhất là khi có gió to. Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng cho biết, hiện nay khoảng 98% dân cư trên địa bàn xã Hòa Thắng đã được sử dụng điện an toàn, chỉ còn một số hộ dân thôn 2 vẫn còn sử dụng điện tự kéo. Đối với hiện tượng trụ điện bị nghiêng tại cụm 6, thôn 11, từ đầu năm 2018, UBND xã đã có văn bản kiến nghị Công ty Điện lực khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Trụ điện bị nghiêng gây mất an toàn ở cụm dân cư xã Hòa Thắng.
Trụ điện bị nghiêng gây mất an toàn ở cụm dân cư xã Hòa Thắng.

Trong khi đó, nhiều khu dân cư trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã tự đầu tư hệ thống đường điện để phục vụ sinh hoạt, nhất là các khu dân cư tự phát, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp. Có thể nhận thấy tình trạng này xuất hiện nhiều nhất ở khu vực đường tránh phía Tây. Tại những khu dân cư tự phát, một nhóm gia đình liền kề thường tự góp tiền để đấu nối đường dây từ hệ thống điện chính. Do khoảng cách xa, tải trọng dây điện nặng, lại chỉ được neo vào các trụ sắt, trụ gỗ tạp hoặc trụ bê tông không đảm bảo nên nhiều hệ thống điện bị võng, trụ bị nghiêng rõ rệt. Ông Nguyễn Ngọc Thành (tổ dân phố 7, phường Tân Lợi) cho biết, do xây dựng nhà trên đất nông nghiệp nên ông cùng các gia đình khác ở khu vực này phải tự kéo điện từ nhà của chủ đất đến nhà ở của mình. Chiều dài đoạn dây tự kéo khoảng hơn 500 m, được neo trên các trụ sắt, trụ bê tông hoặc các thân cây cao. Mặc dù dòng điện sử dụng tương đối ổn định cho sinh hoạt hằng ngày, nhưng nguy cơ gãy đổ do tác động của mưa gió luôn thường trực vì đa số các trụ điện tự chế này đều không bảo đảm độ bền cũng như các yếu tố an toàn. Hay như trụ điện ở khu vực cuối đường A4, xã Cư Êbur, sau trận mưa lớn kèm theo gió mạnh vào đầu tháng 7 đã bị nghiêng, dây thòng sát mặt đất, nguy cơ mất an toàn cao, nhưng đến nay vẫn chưa được sửa chữa, khắc phục. Đây là trụ điện do một số hộ gia đình (trong khu dân cư tự phát, xây dựng trên đất nông nghiệp) tự kéo nên họ cũng khá thờ ơ với yếu tố bảo đảm an toàn…

Đường điện thòng xuống  đường gây mất an toàn ở cuối đường A4 xã Cư Êbur.
Đường điện thòng xuống đường gây mất an toàn ở cuối đường A4 xã Cư Êbur.

Thiết nghĩ, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Điện, người dân cũng cần tuân thủ các nguyên tắc sử dụng điện an toàn, chủ động phòng tránh thiên tai và tai nạn về điện trong mùa mưa bão. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động xây dựng trên địa bàn, hạn chế tối đa việc hình thành các khu dân cư tự phát, không theo quy hoạch gây áp lực lên hạ tầng, trong đó có lưới điện nông thôn.

Ngọc Khuê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.