Multimedia Đọc Báo in

Chậm giải ngân "Quỹ cứu trợ": Rất cần sự chia sẻ của người dân

10:17, 12/09/2018

Thường xuyên đồng hành cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đi trao tiền hỗ trợ cho những gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai gây ra, tôi gặp không ít trường hợp người dân ngỏ ý thắc mắc do chậm nhận tiền hỗ trợ.

Giải đáp câu hỏi của người dân, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng những khúc mắc của người dân là hoàn toàn chính đáng, bởi sau khi bị thiệt hại họ rất cần sự trợ giúp, nhất là về vật chất ban đầu để vượt qua khó khăn trước mắt, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Tuy nhiên việc giải ngân “Quỹ cứu trợ” không thể vội vàng mà cần tuân thủ theo đúng quy chế, nguyên tắc, bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng. Bởi có những đợt thiên tai, số trường hợp bị ảnh hưởng lớn, như trận mưa đá kèm lốc xoáy xảy ra ở huyện Ea Súp vào tháng 4-2018 làm hàng nghìn gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, thiệt hại nặng nề về kinh tế; hay như đợt hạn hán trên diện rộng xảy ra đầu năm 2017 tại  các huyện Buôn Đôn, M’Đrắk, Lắk, Ea Súp, Krông Pắc, Krông Bông, Ea Kar, Ea H’leo cũng làm cho gần 1.000 hộ bị ảnh hưởng.

Anh Phan Văn Hân (trú tại thôn 4, xã Hòa An, huyện Krông Pắc) được nhận tiền cứu trợ
Anh Phan Văn Hân (trú tại thôn 4, xã Hòa An, huyện Krông Pắc) được nhận tiền cứu trợ của UBMTTQVN tỉnh.

Dù Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương làm công tác thống kê, rà soát, song do số hộ thiệt hại nhiều, mức độ thiệt hại khác nhau, các cán bộ thẩm định phải đến từng nhà, thống kê cụ thể, chính xác những thiệt hại, bảo đảm quyền lợi của người dân… nên rất mất thời gian. Một nguyên nhân quan trọng khác đó là với việc tuân thủ đúng quy trình sẽ giúp hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc tiêu cực có thể xảy ra do người làm công tác hỗ trợ không công tâm, lợi dụng việc cứu trợ để tư lợi cá nhân, vi phạm pháp luật… “Quỹ cứu trợ”, như tên gọi của nó đã bao hàm tất cả ý nghĩa nhân văn, là số tiền được đóng góp từ những tấm lòng, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách nên phải được sử dụng sao cho thật đúng mục đích, không để bị lợi dụng, thất thoát dù chỉ một đồng.

Từ câu chuyện trên, tôi nhớ trong một lần tiếp xúc cử tri tại huyện Krông Pắc, khi liên quan đến công tác đền bù, cứu trợ thiên tai, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê đã lưu ý lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm, làm chắc chắn các khâu, các bước của công tác này. Đồng chí nhấn mạnh: “Đây là khâu mà chúng ta dễ để “mất” cán bộ nhất, thực tế đã có những bài học “đắt”, đau xót từ công tác đền bù, cứu trợ”. Chính vì vậy việc thực hiện chặt chẽ, tuân thủ đúng các nguyên tắc, quy định, quy trình trong đền bù, trong hỗ trợ có thể kéo dài, khiến một bộ phận người dân phiền lòng, không vui, nhưng họ hoàn toàn có thể thông cảm, thấu hiểu khi đã được “thông”, biết căn cơ, ngọn nguồn của nguyên nhân chính đáng còn hơn là vì vội vàng, nhanh chóng mà dẫn đến ẩu tả, sai phạm, đánh “mất” cán bộ,  mất lòng tin của nhân dân.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.