Mở lối thoát nghèo cho phụ nữ vùng biên
Trăn trở tìm hướng mở lối thoát nghèo cho phụ nữ vùng biên, mới đây, Hội LHPN tỉnh và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Ea Súp đã phối hợp tổ chức lớp dạy nghề may dân dụng cho chị em trên địa bàn xã Ia Lốp.
Cách xa thị trấn Ea Súp, Ia Lốp là địa phương có trên 1.600 hộ với khoảng 6.500 khẩu sinh sống, trong đó có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông, nhưng vì đất đai sản xuất cằn cỗi, khí hậu vùng biên khắc nghiệt nên thu hoạch thời vụ bấp bênh, thu nhập thấp. Chính vì vậy mà có được một công việc ổn định với mức thu nhập tốt luôn là ước mong của nhiều người. Và lớp dạy nghề may dân dụng được các đơn vị dạy miễn phí trên địa bàn như là sự khởi đầu, mở lối thoát nghèo, phần nào đáp ứng nguyện vọng của bà con. Đây cũng là lớp dạy nghề may đầu tiên do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên phối hợp thực hiện trên địa bàn.
Tạm gác công việc đồng áng, những ngày này, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn phấn khởi tập trung về UBND xã để theo học nghề. Lớp học mới mở chưa lâu, nhiều học viên còn khá bỡ ngỡ từ những thao tác ban đầu như cách xỏ chỉ, đạp máy, nhưng gương mặt vẫn rạng ngời niềm vui. Mỗi ngày mới đến, các chị lại háo hức chờ được giảng viên truyền đạt thêm kiến thức về hệ thống, cấu tạo máy may dân dụng, cách đạp chỉ thẳng hàng, hay hướng dẫn các đường may cơ bản…
Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa trò chuyện, động viên chị em tham gia lớp học. |
Vượt quãng đường tầm 7 km lởm chởm bùn đất để đến lớp học, nhưng chị Nguyễn Thị Mến vẫn cần mẫn học tập đầy đủ. Vốn từng biết sơ qua công việc may vá, nay lại có lớp dạy miễn phí ngay tại xã, nên chị Mến càng quyết tâm học để được gắn bó lâu dài với công việc này. Chị tâm tình rằng, ở địa phương, ngoài quẩn quanh với ruộng đồng, phụ nữ luống tuổi như chị thật khó kiếm việc làm. Nhưng chị tin, nghề may dân dụng sẽ không “kén” người, “kén” tuổi nếu ai thực sự quan tâm, chịu khó mài dũa, học tập.
Mang khát vọng được đổi thay cuộc sống nghèo khó, chị Triệu Thị Hát tham gia lớp học để sau này có thể mở tiệm tại nhà. Chị cho biết, trước đây đã từng học qua nghề may, nhưng đành phải bỏ dở vì chăm nuôi con nhỏ, một phần nữa cũng bởi kinh tế gia đình khó khăn, ít đất sản xuất, không có vốn đầu tư máy móc. Giờ đây được trở lại với đam mê, chị rất vui. Dù biết để lành nghề cần rất nhiều thời gian, nhưng chị sẽ tập trung học tốt kỹ thuật may và trước mắt tự may các trang phục đơn giản cho chồng con, người thân trong gia đình.
Lớp học nghề hiện tuyển sinh được trên 30 học viên với nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng đa phần đã luống tuổi. Chị Mai Tiến, lớp trưởng chân thành chia sẻ, hầu hết chị em đều kinh tế khó khăn, nhưng ai cũng gắng gác lại việc nhà để tham gia học tập đầy đủ. Nhờ những buổi tiếp xúc, chuyện trò, gặp gỡ cán bộ phụ nữ, giảng viên, mà chị em nhận thức được rằng học nghề may là cơ hội để sau này chị em có thể tự mở tiệm, nhận gia công đồ may tại nhà nhằm cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập.
Các học viên tham gia lớp dạy nghề may dân dụng. |
Hiểu rõ điều kiện, hoàn cảnh học viên, ngoài động viên chị em tham gia đào tạo nghề, cấp phát dụng cụ học tập, văn phòng phẩm miễn phí, các đơn vị còn hỗ trợ ăn trưa, thường xuyên tuyên dương các học viên chuyên cần đến lớp. Ban tổ chức lớp học cũng đã mời hai kỹ sư chuyên ngành công nghệ may, có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy và nghề đến trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy cho chị em. Trong thời gian ba tháng, học viên sẽ được học 400 tiết, trong đó tập trung ¾ thời gian cho thực hành để có thể thực hiện tốt các đường may cơ bản, thiết kế và may áo quần sơ mi, các kiểu váy đúng kỹ thuật.
Chị Nguyễn Thị Hồng Phượng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Ea Súp cho biết, sau khi dạy xong nghề, cấp chứng chỉ cho học viên, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Hội LHPN tỉnh, cố gắng tìm cách để nhận hàng gia công từ các công ty may nhằm tạo việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập cho phụ nữ vùng biên.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc