Những cán bộ Đoàn mạnh dạn trong khởi nghiệp
Không chỉ nhiệt tình, năng nổ trong công tác xã hội, nhiều cán Đoàn cơ sở ở huyện Ea H’leo còn nỗ lực vượt khó vươn lên, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Lập nghiệp với mô hình nuôi dế thương phẩm
Trước đây, cũng như bao hộ dân tại thôn 8B, xã Ea Wy, gia đình anh Nông Văn Từ chủ yếu tập trung trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu. Những năm gần đây, khi giá cà phê, hồ tiêu liên tục rớt giá, anh Từ trăn trở tìm hướng mới trong phát triển kinh tế. Một lần xem về mô hình nuôi dế trên ti vi, anh Từ đã tìm hiểu, bỏ công sức sang tận tỉnh Gia Lai học hỏi kinh nghiệm và quyết định nuôi thử nghiệm vào tháng 8-2017.
Ban đầu, anh mua khay trứng giống về ủ nở ra con để nuôi, còn bây giờ anh đã tự gây được nguồn giống dế. Hiện nay, gia đình anh nuôi 8 thùng dế, mỗi thùng có diện tích khoảng 1 m2 nuôi từ 4.800 - 5.600 con dế. Dế nuôi từ khi nhỏ đến khi xuất bán khoảng hơn 1 tháng, trang trại của anh hiện cung cấp nguồn trứng dế và dế thương phẩm, khi cao điểm mỗi tháng anh Từ xuất bán khoảng hơn 15 kg dế và 8 thùng trứng dế. Với giá 100.000 đồng/khay trứng dế và 150.000 đồng/kg dế trưởng thành, anh Từ có thu nhập 36 triệu đồng/năm - mức thu nhập khá đối với công việc chỉ cần tận dụng thời gian nhàn rỗi.
Theo anh Từ, dế là loài vật dễ nuôi, sống thành đàn, thích nghi với môi trường tự nhiên. Vì thế, muốn cho đàn dế phát triển nhanh, năng suất chất lượng cao, tránh được dịch bệnh, người nuôi phải chú ý đến chuồng trại, đặt nơi cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh nơi mưa gió. Đặc biệt, mỗi chuồng cần bố trí thêm nhánh, lá cây, thùng giấy hoặc thùng phế liệu để tạo môi trường hoang dã cho dế ẩn trú hoặc bay nhảy một cách tự nhiên. So với các loài vật nuôi khác, nuôi dế tốn ít công chăm sóc, nguồn thức ăn của dế cũng đơn giản, dễ kiếm như lá cây.
Anh Từ đang có ý định tiếp tục mở rộng quy mô trang trại, liên kết với các hộ trong vùng để cùng nhau phát triển kinh tế. Tuy mới chỉ thực hiện nuôi trong thời gian gần đây nhưng mô hình nuôi dế của anh Từ bước đầu đã cho thấy hiệu quả nhất định, đưa tới một hướng phát triển mới cho nhiều thanh niên trong vùng.
Anh Nông Văn Từ chăm sóc dế. |
Bên cạnh đó, anh Từ còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội, là Bí thư Chi đoàn thôn tâm huyết, năng nổ trong công việc, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những đoàn viên đến tham quan mô hình kinh tế của gia đình. Nhiều năm liền anh được UBND xã Ea Wy, Huyện Đoàn Ea H’leo khen thưởng, tuyên dương là thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.
Khởi nghiệp từ… cá cảnh
Say mê cá cảnh từ khi còn nhỏ, anh Phạm Thế Thành (Bí thư Chi đoàn tổ dân phố 7, thị trấn Ea Đrăng) dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về cách chăm sóc loài cá này.
Năm 2014, sau tốt nghiệp ngành Quản lý giáo dục, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, do không tìm được việc làm phù hợp, anh Thành trở về địa phương bàn với gia đình mở tiệm bán cá cảnh ở trước nhà, với quy mô 30 bể cá. Thời gian đầu, do chưa nhiều kinh nghiệm, việc nuôi cá gặp rất nhiều khó khăn, có những thời điểm cá chết đến 90%; khách hàng cũng không nhiều.
Anh Phạm Thế Thành theo dõi sức khỏe của cá rồng huyết long. |
Không đầu hàng trước khó khăn, tháng 2-2018, qua thời gian tìm tòi, nghiên cứu sách báo, Internet, anh Thành quyết định mở quán cà phê “thủy sinh” tại tổ dân phố 6 (thị trấn Ea Đrăng). Anh lặn lội đến tận TP. Hồ Chí Minh, Nam Định, Bình Định và Tiền Giang mua các giống cá cảnh về nuôi. Đến quán cà phê của anh, khách hàng không chỉ được thưởng thức cà phê mà còn được ngắm nhìn những loài cá cảnh đẹp mắt.
Hiện tại, quán cà phê của anh Thành có hơn 40 bể cá cảnh kinh doanh, với nhiều loại cá như cá koi, cá la hán, cá hỏa tiễn có nguồn gốc từ các nước như: Malaysia, Indonesia, Singapore… Theo anh Thành, nuôi cá cảnh đòi hỏi phải có kinh nghiệm bởi nếu không chăm sóc đúng cách cá sẽ bị chết. Điều quan trọng nhất là môi trường sống của cá phải bảo đảm, đặc biệt là nguồn nước phải sạch; chú trọng phòng các bệnh thường gặp ở cá…
Do đây là quán cà phê thủy sinh đầu tiên ở huyện Ea H’leo nên thu hút rất nhiều khách hàng, có những người tìm đến quán chỉ để tìm mua cá cảnh. Tùy theo chủng loại mà mỗi loài cá có giá bán từ vài nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng/con. Trung bình mỗi tháng anh Thành bán được 10 triệu đồng tiền cá cảnh, tổng thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm. Không chỉ nuôi cá, bán cà phê, tận dụng quỹ thời gian rảnh, anh còn nuôi dưỡng niềm đam mê khác là vẽ tranh trang trí cho các quán ăn, quán cà phê trên địa bàn.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Thành còn là một Bí thư Chi đoàn năng nổ, nhiệt tình, được mọi người yêu mến.
Nguyễn Ngọc
Ý kiến bạn đọc