Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lòng của cô giáo dạy trẻ tự kỷ

15:42, 25/09/2018

Dạy trẻ tự kỷ được xem là hành trình đầy gian nan và thử thách. Vậy mà hơn 5 năm qua, cô Võ Đắc Bảo Trân, chủ cơ sở dạy trẻ tự kỷ ở đường Y Tlamk Buôr, phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) đã vượt qua mọi khó khăn, vất vả để dành trọn tâm huyết với nghề…

Tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, nhưng khi ra trường, nhận thấy chung quanh mình có nhiều trẻ tự kỷ không đủ điều kiện hỗ trợ can thiệp sớm nên Trân học thêm một khóa về ngành chậm phát triển trí tuệ. Ban đầu, cô chỉ nhận 2 em trong xóm về dạy tại nhà để củng cố kiến thức, trau dồi kinh nghiệm cho bản thân. Chỉ sau một thời gian ngắn, “tiếng lành đồn xa”, số lượng trẻ đến theo học ngày một đông hơn. Năm 2015, cô Trân quyết định nhờ bố mẹ hỗ trợ trang thiết bị để mở cơ sở tiếp nhận dạy trẻ tự kỷ. Không liên kết với cá nhân hay tổ chức nào, lớp học do một tay cô gầy dựng, từ sắp đặt bàn ghế đến lựa chọn đồ dùng học tập.

Trong câu chuyện của cô giáo Trân, chúng tôi cảm nhận được ẩn sau dáng người nhỏ nhắn, giọng nói ấm áp là cái tâm của một cô giáo nặng lòng với những “học trò đặc biệt”.

Hiện tại cơ sở của cô Trân có 8 học sinh, mỗi em một chứng bệnh khác nhau. Nhẹ thì chậm nói, không tập trung, nặng thì tăng động, nói quá nhiều hoặc thờ ơ vô cảm, không có phản xạ giao tiếp. Chính vì vậy, cô phải mất rất nhiều thời gian và công sức để dạy trẻ, từ những động tác đơn giản như đứng lên, ngồi xuống, cầm, nắm đồ vật đến kỹ năng mặc quần áo, đi giày dép theo kiểu học mà chơi, nhắc đi nhắc lại. Ngoài ra, cô còn tự mày mò sáng tạo các đồ chơi giúp trẻ khám phá các giác quan như: cho trẻ sờ vào đá lạnh, nước nóng để cảm nhận được nhiệt độ, chơi với gạo, đậu để kích thích xúc giác hay nghịch màu nước bằng tay để cảm nhận màu sắc.

Niềm vui hiện rõ trong những giờ dạy trẻ tự kỷ của cô Võ Đắc Bảo Trân.
Niềm vui hiện rõ trong những giờ dạy trẻ tự kỷ của cô Võ Đắc Bảo Trân.

Cô Trân chia sẻ: Đối với trẻ bình thường có thể hướng dẫn vài lần là các em có thể nhận biết, nhưng đa số trẻ tự kỷ đều gặp nhiều khó khăn trong phát triển ngôn ngữ, nhận thức và giao tiếp xã hội nên dù hướng dẫn 100 lần, thậm chí lặp đi lặp lại trong vài tháng trẻ mới làm được những cử chỉ cơ bản. Vì vậy, muốn dạy trẻ tự kỷ thành công, giáo viên không chỉ cần kiến thức chuyên môn mà còn phải kiên nhẫn, thường xuyên quan sát để hiểu ngôn ngữ và những biểu hiện của trẻ, có thể là tức giận, đói hay vui mừng, từ đó khuyến khích trẻ nói ra những gì mình mong muốn.

Trong câu chuyện của cô giáo Trân, chúng tôi cảm nhận được ẩn sau dáng người nhỏ nhắn, giọng nói ấm áp là cái tâm của một cô giáo nặng lòng với những “học trò đặc biệt”. Trân kể về trường hợp một cậu bé 4 tuổi nhưng chưa nói được, thường xuyên la hét và không chịu được sự tác động của âm thanh cũng như của người lạ. Những ngày đầu tiếp xúc với bé, cháu chỉ trốn vào góc, nếu cô đến gần bé sẽ chạy vòng quanh nhà hoặc bộc phát cơn giận dữ, tự đập đầu vào tường khiến cô phải mất hơn 1 tháng mới được trẻ tin tưởng cho đến gần. Và phải mất tới 3 tháng để dạy bé biết “dạ” khi có người gọi tên, “cảm ơn” khi được cho quà. Đó là chưa kể có những học sinh đã lớn nhưng cũng không biết đếm số, nhận biết vật dụng chung quanh, hay ngay cả việc đi vệ sinh cũng “tùy hứng”…

Vất vả là thế nhưng Bảo Trân chưa lần nào nghĩ mình sẽ chuyển công việc khác. Có lẽ sự tiến bộ rõ rệt của các bé mỗi ngày là động lực giúp cô vượt qua mọi khó khăn, rào cản. Điều khiến cô trăn trở nhất hiện nay là vẫn còn thái độ xa lánh của xã hội và một số gia đình có con mắc bệnh. Nhiều phụ huynh cảm thấy xấu hổ và lo sợ người khác biết con mình bị mắc bệnh tự kỷ, thậm chí nhiều cha mẹ còn không quan tâm, bỏ bê các em, khiến việc đưa trẻ hòa nhập cộng đồng càng khó khăn hơn.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.