Multimedia Đọc Báo in

Phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột): Người dân đồng thuận trong việc bê tông hóa đường ngõ xóm

10:06, 12/09/2018

Từ chỗ hầu hết các tuyến đường ngõ xóm nhỏ hẹp, thường xuyên lầy lội vào mùa mưa, cùng với sự hỗ trợ xi măng từ UBND TP. Buôn Ma Thuột, người dân phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) đã góp công, góp của để xây dựng 31,5 km đường bê tông, đưa bộ mặt khu dân cư ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Ngay từ năm 2014, khi UBND TP. Buôn Ma Thuột có chủ trương hỗ trợ xi măng cho 8 xã và phường Khánh Xuân thực hiện bê tông hóa các tuyến đường ngõ xóm, Đảng ủy, UBND phường Khánh Xuân đã thành lập ban chỉ đạo, phân công cụ thể trách nhiệm cho từng thành viên trong việc tuyên truyền, vận động. Việc thực hiện được tiến hành theo lộ trình cụ thể: năm đầu tiên ưu tiên cho những tuyến đường tại khu vực tập trung đông dân cư để làm điểm; năm thứ hai dồn sức giải quyết các tuyến đường dốc, thường xuyên bị xói lở, lầy lội với phương châm “làm đến đâu, dứt điểm đến đó”. Quá trình vận động đã huy động được sự ủng hộ tích cực của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn; chi bộ và ban tự quản các buôn, tổ dân phố (TDP). Công tác san ủi mặt bằng, chuẩn bị vật tư, phân công lao động đều thực hiện trước khi nhận xi măng hỗ trợ nên trong quá trình thực hiện đã không xảy ra tình trạng tồn đọng hay làm thất thoát xi măng do hư hỏng.

Một con đường ở tổ dân phố 3, phường Khánh Xuân được người dân đóng góp thêm kinh phí  để mở rộng.
Một con đường ở tổ dân phố 3, phường Khánh Xuân được người dân đóng góp thêm kinh phí để mở rộng.

Ông Phùng Văn Sơn, Tổ trưởng TDP 3, phường Khánh Xuân cho biết, trước năm 2014, toàn TDP 3 có khoảng 2,4 km đường giao thông thì chỉ có gần 700 m đường trục chính được nhựa hóa. Các con đường còn lại đều là đường đất, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong mùa mưa. Khi bắt đầu triển khai vận động người dân xây dựng đường ngõ xóm theo chủ trương Nhà nước hỗ trợ xi măng, một bộ phận không nhỏ người dân chưa đồng thuận vì e ngại phải đóng góp nhiều tiền của, không thống nhất cách thức vận động, quản lý.

Được sự quan tâm, động viên của Đảng ủy, chính quyền phường Khánh Xuân và công tác phối hợp vận động của Linh mục quản xứ, Hội đồng Giáo xứ Chi Lăng, người dân dần hiểu rõ mục đích của việc xây dựng đường ngõ xóm, hăng hái tham gia bàn bạc, lập kế hoạch thực hiện. Mỗi trục đường, người dân cử 1 tổ trưởng phụ trách công tác huy động kinh phí, triển khai thực hiện. Mọi đóng góp đều được ghi chép cẩn thận, công khai để mọi người cùng biết, cùng quản lý. Nhờ có sự thống nhất cao, việc triển khai xây dựng đường ngõ xóm tại TDP 3 rất thuận lợi, người dân tự nguyện phá bỏ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ngoài chiều rộng 3 m theo quy cách, ở nhiều đoạn đường, người dân tự bỏ kinh phí để xây dựng thêm 1 m mặt đường bê tông nữa và gia cố vững chắc mương thoát nước để tránh làm hỏng đường. Đến cuối năm 2016, TDP 3 đã bê tông hóa toàn bộ tuyến đường ngõ xóm trên địa bàn, dẫn đầu toàn phường trong công tác xây dựng đường giao thông.

Nhờ cách làm phù hợp, đến cuối năm 2017, với chủ trương Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp phần kinh phí còn lại và tự bỏ công làm đường, toàn phường Khánh Xuân đã thực hiện bê tông hóa 71% đường ngõ xóm (nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt) với tổng chiều dài 31,5 km,  tổng số kinh phí nhân dân đóng góp để xây dựng đường lên đến hơn 9,8 tỷ đồng. Ngoài đơn vị TDP 3 đã đạt tỷ lệ bê tông hóa 100% đường ngõ xóm, nhiều đơn vị khác cũng đã đạt mức trên 90% như TDP 8, TDP 9, TDP 14, buôn Ea Rang... Năm 2018, phường Khánh Xuân đã lập kế hoạch thực hiện bê tông hóa thêm 3.778 m đường ngõ xóm và đề nghị thành phố hỗ trợ 340 tấn xi măng. Đối với các con đường đã hoàn thành, phường thường xuyên nhắc nhở, động viên nhân dân quan tâm tu bổ, bảo dưỡng để hiệu quả sử dụng được duy trì lâu dài.

Theo ông Nguyễn Xuân Thăng, Phó Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân, những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng đường ngõ xóm đã tạo chuyển biến tích cực lên mọi mặt đời sống tại địa phương. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là một số nghề dịch vụ như: kinh doanh thức ăn chế biến sẵn, cà phê, nước giải khát... Nhiều cơ sở sản xuất cơ khí, sửa chữa điện tử, gia công ngành may mặc cũng được chuyển từ địa điểm thuê mượn sang làm dịch vụ tại nhà, tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ để tái đầu tư. Nhờ đó, đời sống kinh tế phát triển, an ninh trật tự được củng cố, nhân dân phường Khánh Xuân ngày càng phấn khởi, thắt chặt tình đoàn kết và trách nhiệm với cộng đồng, tích cực tham gia đóng góp xây dựng địa phương.

Bảo Bình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.