Multimedia Đọc Báo in

Chia sẻ rủi ro với người lao động qua chế độ ốm đau theo chính sách bảo hiểm

08:25, 15/10/2018

Chế độ ốm đau là một trong 5 chế độ được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), góp phần rất lớn trong chia sẻ rủi ro về mặt tài chính với người lao động (NLĐ).

Theo thống kê, đến hết năm 2017, có khoảng 7,5 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau và 320 lượt người hưởng dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Tính theo tỷ lệ, cứ 100 người tham gia BHXH thì có 50 lượt người hưởng chế độ ốm đau. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tính đến hết năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, có khoảng trên 12.000 lượt người hưởng chế độ ốm đau với trên 80.000 lượt ngày điều trị (trong đó có gần 1.000 lượt người với trên 15.000 lượt ngày điều trị ốm đau dài ngày). Nếu như NLĐ không tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) thì đây quả là gánh nặng về kinh tế cho gia đình.

Để phòng ngừa và hạn chế những tác động tiêu cực của rủi ro trong cuộc sống, NLĐ cần thiết phải tham gia BHXH, BHYT và đương nhiên đây là quy định của Luật mà NLĐ và chủ doanh nghiệp phải tuân thủ, đó là NLĐ và chủ doanh nghiệp phải trích một khoản phí nộp vào quỹ BHXH, BHYT. Khi NLĐ gặp rủi ro, tai nạn như: Ốm đau, tai nạn lao động thì họ sẽ được nhận một khoản tiền trợ cấp bù đắp lại phần thu nhập bị mất hoặc bị giảm để bảo đảm ổn định thu nhập. Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác thì không được hưởng chế độ ốm đau.

Khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M'gar.    Ảnh: K.Oanh
Khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M'gar. Ảnh: K.Oanh

Theo đó, thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần được quy định như sau: Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên. Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên. Đối với ốm đau bình thường và chăm sóc con ốm: Mức trợ cấp được xác định bằng cách lấy 75% mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc chia cho 26 ngày, sau đó nhân với số ngày thực tế nghỉ việc trong khoảng thời gian được nghỉ theo quy định.

NLĐ mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau: Tối đa không quá 180 ngày trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần, mức hưởng bằng 75% mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn: mức hưởng bằng 45% mức tiền lương, tiền công nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; bằng 55% mức tiền lương, tiền công nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; bằng 65% mức tiền lương, tiền công nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên. Người lao động sau thời gian hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 23 của Luật BHXH mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 - 10 ngày trong một năm. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung. Ngoài ra NLĐ khi ốm đau từ 14 ngày trở lên được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT và được hưởng 80% chi phí khi đi khám, chữa bệnh, nhất là mắc bệnh hiểm nghèo.

Nguyễn Thị Xuân

(Phó Giám đốc BHXH tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.