Hội thi "Hòa giải viên giỏi" ở thị xã Buôn Hồ: Giải quyết mâu thuẫn bằng sự khéo léo
Không chỉ nắm vững kiến thức về luật pháp, mà phải khéo léo, dùng cái tình để hóa giải mâu thuẫn là thông điệp mà các thí sinh gửi gắm qua Hội thi “Hòa giải viên giỏi” của thị xã Buôn Hồ vừa được tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua.
Trong phần thi chào hỏi, các hòa giải viên đã diễn tấu, thơ ca, hò, vè… để giới thiệu về đội thi và những nét đặc trưng của địa phương. Những tiết mục được đầu tư về thời gian, công sức cùng sự hỗ trợ của đạo cụ sân khấu, tạo nên những hình ảnh đẹp thu hút khán giả. Với phần thi trắc nghiệm, các thí sinh đã thuyết phục và tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với Ban giám khảo cũng như đông đảo khán giả đến cổ vũ hội thi bởi sự am hiểu pháp luật qua việc trả lời các gói câu hỏi của Ban tổ chức đưa ra liên quan đến Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Dân sự năm 2015...
Các thí sinh tham gia phần thi giới thiệu. |
Nếu phần thi trắc nghiệm thể hiện kiến thức của một hòa giải viên, thì phần thi tình huống là thử thách sự khéo léo của những người làm công tác hòa giải ở cơ sở. Những tình huống đưa ra trong cuộc thi đều là những mâu thuẫn dễ nảy sinh trong cuộc sống thường nhật của gia đình, mối quan hệ hàng xóm, láng giềng… Như đối với tình huống: Sau khi kết hôn được 3 năm, vợ chồng chị Lan và anh Bình mua 1 thửa đất tại phường X với diện tích 120 m2, trong đó có 40 m2 đất ở. Khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chị Lan thấy trên Giấy này chỉ ghi tên một mình anh Bình. Cho rằng anh Bình có ý đồ riêng, chị Lan đòi anh Bình phải đi bổ sung tên chị vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì việc này, hằng ngày chị Lan đều dằn vặt, đay nghiến chồng, hai vợ chồng cãi nhau. Để giải quyết tình huống này, thí sinh Nguyễn Quang (xã Ea Blang) sau khi thể hiện kiến thức của mình bằng cách trích dẫn các điều quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình về quy định tài sản chung của vợ chồng, đã đưa ra hướng hòa giải nêu cao đạo lý vợ chồng, truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam để giải thích cho hai bên hiểu rằng vợ chồng cần phải yêu thương, tin tưởng, tôn trọng nhau, không nên vì xích mích nhỏ, không đáng có mà ảnh hưởng đến tình cảm gia đình.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ
|
Cùng với những kiến thức pháp luật, từ kinh nghiệm sống của bản thân, sự hiểu biết về phong tục, tập quán tốt đẹp, quy ước, văn hóa, đạo lý truyền thống của dân tộc và kỹ năng hòa giải, các hòa giải viên đã vận dụng khéo léo để đưa ra phương án xử lý, giải quyết tình huống một cách thuyết phục, thấu tình đạt lý.
Hấp dẫn và sôi nổi nhất là phần thi tiểu phẩm. Các đội đã xây dựng những tiểu phẩm có nội dung thực tế, rất đời thường, sinh động, mang đậm tính nhân văn với hình thức thể hiện hấp dẫn, sáng tạo. Cách giải quyết vấn đề trong các tiểu phẩm khá linh hoạt, chủ yếu bằng phương diện tình cảm, đây là yếu tố quan trọng nhất, thể hiện bản chất của công tác hòa giải đã được các thí sinh thể hiện thành công. Như tiểu phẩm “Thuận vợ, đồng chồng” của đội thi đến từ phường An Lạc được xây dựng từ một câu chuyện khá phổ biến trong gia đình sinh đến 3 con gái. Chỉ vì mong muốn có được người con trai để "nối dõi tông đường" mà người chồng thường xuyên say xỉn, bỏ bê việc nhà, dẫn đến vợ chồng thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn ngày càng tăng. Trước hoàn cảnh này, người hòa giải viên cơ sở đã phải nhẹ nhàng, khôn khéo thuyết phục người chồng, từ việc nói cho người chồng hiểu được quá trình mang nặng đẻ đau của người vợ đã sinh cho mình 3 người con gái chăm ngoan, học giỏi đến việc khuyên người chồng không nên "trọng nam khinh nữ". Bên cạnh đó, người hòa giải viên cũng dẫn chứng ở ngay địa bàn con gái cũng không thua kém gì con trai, đi học đến nơi đến chốn, có công việc và thành công trong xã hội. Từ đó, giúp người chồng không còn những suy nghĩ lệch lạc, quý vợ, thương con hơn…
Các thí sinh trong phần thi trắc nghiệm và xử lý tình huống. |
Khéo léo, dùng cái tình để hóa giải mâu thuẫn cũng chính là thông điệp trong các phần thi của các thí sinh. Mỗi đội thi có cách nhập vai mộc mạc, dí dỏm bằng cách kể lại chuyện hòa giải thành công mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh tại địa phương mình, nối lại hòa khí gia đình, xóm làng.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc