Multimedia Đọc Báo in

Những nữ cựu TNXP vững vàng trên "trận tuyến" mới

17:28, 19/10/2018

Phát huy phẩm chất của thanh niên xung phong (TNXP) năm xưa, những nữ TNXP hôm nay tiếp tục đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế, khắc phục khó khăn, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thắt chặt nghĩa tình đồng đội… là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Năm 17 tuổi, bà Nguyễn Thị Sâm (SN 1954) hăng hái tình nguyện tham gia TNXP tại Nông trường Phú Đa (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ). “Những ngày tháng nhiệt huyết của tuổi trẻ, cầm xẻng, cầm cuốc ra nông trường góp phần giữ vững hậu phương… như mới hôm qua thôi. Dẫu khó nhọc, vất vả khiến đôi tay con gái bị chai sần hết cả, nhưng tôi vẫn vui và tự hào”, người nữ TNXP năm xưa bồi hồi nhớ lại.

Ngày trở về, bà Sâm cùng chồng quyết tâm xây dựng kinh tế. Năm 2000, trong một lần vào thăm người thân tại TP. Buôn Ma Thuột, bà Sâm yêu mảnh đất đầy “nắng và gió” này nên bàn với chồng cùng nhau vào Đắk Lắk lập nghiệp. Vợ chồng  bà Sâm dùng hết tài sản mua được gần 2 ha đất ở xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) phát triển kinh tế. Thời điểm này, giá cà phê xuống thấp, đời sống khó khăn, không cam chịu sống chung với đói nghèo, bà Sâm vừa đi làm thuê, vừa chăn nuôi heo, kết hợp trồng cây ngắn ngày...  Bà Sâm trò chuyện: “Thời gian đó rất vất vả, ba người con đang tuổi ăn học, kinh tế thiếu thốn nhưng không vì thế mà mình nản lòng. Nhiều lúc mệt mỏi, tủi thân, nhưng tôi nghĩ, ngày xưa chiến tranh ác liệt là thế mà giờ hòa bình không lẽ lại bỏ cuộc nên tôi lại vững tin làm việc”. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", tích lũy vốn bà Sâm mua thêm đất mở rộng sản xuất. Đến nay, gia đình bà Sâm đã có một cơ ngơi mà bao người mơ ước với  4 ha trồng tiêu, cà phê, xen canh bơ, sầu riêng cho thu hoạch với lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương.

Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh gặp mặt nữ cán bộ phụ trách công tác Hội.
Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh gặp mặt nữ cán bộ phụ trách công tác Hội.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà Sâm còn phát huy vai trò của nữ TNXP trong thời kỳ mới bằng cách giúp đỡ đồng đội cùng xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, bằng cách hỗ trợ vốn mua đất, giống cây trồng, làm nhà tình nghĩa… “Giờ cuộc sống không còn vất vả như ngày nào nhưng tôi vẫn còn nhớ như in những thăng trầm, khó nhọc ngày trước. Vì vậy, nếu giúp đỡ được ai thì tôi cứ giúp, để cùng nhau vươn lên thoát nghèo”, bà Sâm vui vẻ nói.

 

“Hội Cựu TNXP tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa giúp đỡ nữ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2014 đến nay, Hội Cựu TNXP tỉnh đã tặng 120 suất quà, 122 sổ tiết kiệm, sửa chữa 8 ngôi nhà và xây mới 77 căn nhà Tình nghĩa cho nữ cựu TNXP nghèo có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá gần 5 tỷ đồng”.

 
 
Bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Công tác nữ Hội Cựu TNXP tỉnh

Năm 1972, cũng như nhiều thanh niên cùng trang lứa, cô gái 18 tuổi Đỗ Thị Thúy ở xã Thọ Lập (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) tình nguyện đăng ký đi TNXP tại Sầm Nưa, Xiêm Khoảng của nước bạn Lào để mở đường, tiếp đạn, tải thương, phá bom nổ chậm… Năm 1976, bà Thúy xuất ngũ về địa phương. Năm 1984, bà Thúy cùng gia đình đi kinh tế mới tại xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin). Nhớ lại buổi đầu lập nghiệp, bà Thúy nói: “Ngày đó, vùng đất này hoang sơ lắm, dân cư lại thưa thớt, cuộc sống khó khăn, khổ cực lắm nhưng với tinh thần của người lính, tôi vẫn quyết tâm tìm hướng thoát nghèo”.

Những năm đầu, gia đình bà Thúy trồng cà phê. Khi cà phê già cỗi, bà cùng chồng bàn bạc chuyển sang trồng hồ tiêu. Chưa có kinh nghiệm về trồng cây tiêu, nghe ở đâu có người trồng tiêu giỏi, bà Thúy đều tìm tới để học hỏi và mua cây giống về trồng. Cần cù, chịu khó làm ăn, đến nay gia đình bà Thúy có 2,6 ha trồng tiêu, mỗi năm cho lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà Thúy còn gương mẫu trong mọi hoạt động của Hội Cựu TNXP xã Ea Bhốk. “Trước kia, dù có khó khăn vất vả, nhưng đồng đội sống với nhau bằng cả tấm lòng. Trở về đời thường, mình dư dả hơn thì giúp đỡ, hỗ trợ mọi người để cùng nhau ổn định cuộc sống”, bà Thúy tâm sự.

Cựu thanh niên xung phong Đỗ Thị Thúy ở xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) chia sẻ kinh nghiệm trồng tiêu của gia đình.
Cựu thanh niên xung phong Đỗ Thị Thúy ở xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) chia sẻ kinh nghiệm trồng tiêu của gia đình.

Thời gian qua, những nữ cựu TNXP như bà Sâm, bà Thúy không ngừng phát huy truyền thống, khắc phục khó khăn, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước. Bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Công tác nữ Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 2.761 nữ cựu TNXP/4.445 hội viên. 100% nữ cựu TNXP tích cực tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội và hoạt động các đoàn thể ở địa phương, cơ sở, như phong trào: “5 không, 3 sạch”, “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…; tích cực thực hiện phong trào thi đua do Hội Cựu TNXP phát động: “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi để thoát nghèo bền vững”, “Nghĩa tình đồng đội”… Qua các hoạt động phong trào thi đua, hằng năm có trên 90% gia đình nữ cựu TNXP đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, hàng trăm người làm kinh tế giỏi ở nhiều loại hình kinh doanh, sản xuất tạo việc làm cho nhiều lao động, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội…

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.