Phụ nữ huyện Krông Búk đồng hành với thực phẩm an toàn
Hưởng ứng chương trình “Phụ nữ đồng hành cùng thực phẩm an toàn” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phát động, trong thời gian qua, nhiều chị em phụ nữ ở huyện Krông Búk đã tích cực triển khai, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế từ thực phẩm an toàn, vì sức khỏe cộng đồng.
Trồng rau an toàn theo công nghệ cao
Xuất phát từ nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của gia đình và người dân trong vùng, năm 2014, bà Nông Thị Hường (thôn 8, xã Pơng Đrang) đã chọn việc trồng rau sạch để phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, vườn rau của bà đã được nhiều người biết đến, tin tưởng sử dụng cũng như đến tham quan, học hỏi. Ban đầu, bà Hường chỉ tận dụng những khoảng đất trống trong vườn để trồng rau. Để vườn rau sinh trưởng và phát triển tốt mà không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học, bà Hường chú trọng đến khâu làm đất và chọn trồng luân phiên các loại rau khác nhau trên cùng một đơn vị diện tích đất nhằm hạn chế sâu bệnh. Sau một thời gian, thấy việc trồng rau vốn ít, tận dụng được công nhàn rỗi nên bà Hường đã quyết định chuyển đổi 1 sào cà phê già cỗi của gia đình sang trồng gối đầu các loại rau xanh như xà lách, bắp cải, hành lá….
Bà Nông Thị Hường (thôn 8, xã Pơng Đrang) chăm sóc vườn rau của gia đình. |
Trồng rau theo hướng sạch tốn nhiều công, thời gian thu hoạch cũng lâu hơn thế nhưng các loại rau đều được bà Hường bán với giá chỉ 10.000 đồng/kg. Rau sạch, giá cả lại phải chăng nên phần lớn lượng rau do bà làm ra đều có người đến tận vườn để mua, ít khi bà phải mang rau ra chợ bán. Trung bình mỗi ngày, bà Hường bán được từ 8-10 kg rau các loại.
Hiện tại, bà Hường còn đầu tư trồng thêm 500 gốc sachi để lấy ngọn (với giá 30.000 đồng/kg) để cung cấp các nhà hàng trên địa bàn. Toàn bộ phế phẩm từ việc trồng rau đều được bà Hường tận dụng làm thức ăn cho heo. Bà Hường chia sẻ, trồng rau không chỉ là công việc mà còn đem lại niềm vui mỗi ngày của bà khi làm ra được những bó rau chất lượng để phục vụ gia đình và mọi người. Công việc này cũng đã đem lại cho bà nguồn thu nhập ổn định từ 3-4 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, việc trồng rau của bà Hường còn manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc thời tiết nên dễ gặp rủi ro. Đến tháng 6-2018, qua sự kết nối của Hội LHPN huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chọn vườn rau của bà Hường để xây dựng mô hình “Rau an toàn theo công nghệ cao”, cụ thể là hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp và khu nhà lưới rộng 300 m2 với tổng kinh phí 120 triệu đồng, giúp cho việc sản xuất của bà được thuận lợi và mang tính bền vững hơn.
Đầu tư cho nghề làm đậu phụ sạch
Với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống của gia đình và làm ra những sản phẩm sạch phục vụ người dân, năm 2016, từ số tiền tích cóp và 20 triệu đồng được Hội LHPN huyện hỗ trợ vay, chị Dương Thị Thủy (thôn 6, xã Pơng Đrang) đã đầu tư hệ thống máy móc và thuê mặt bằng để mở cửa hàng đậu phụ sạch.
Cửa hàng đậu phụ sạch của chị Dương Thị Thủy (thôn 6, xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk). |
Bà Lưu Thị Hòa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Búk
|
Căn nhà thuê rộng 120 m2 nằm gần ngã ba chợ Pơng Đrang, được chị Thủy vừa dùng làm nơi sản xuất vừa làm nơi bán hàng nên khi đến đây người mua có thể trực tiếp quan sát quá trình sản xuất đậu phụ, được thoải mái ăn thử nên đã tạo được niềm tin về uy tín, chất lượng đối với khách hàng.
Để có được những miếng đậu sạch và tươi ngon, toàn bộ quy trình làm đậu từ khâu chọn nguyên liệu, ngâm đậu, xay đậu, nấu, ép… đều được chị Thủy làm cẩn thận, tỉ mỉ và bảo đảm vệ sinh. Chị dùng chính nước chua của đậu đã được ủ theo công thức truyền thống để nấu đậu chứ không sử dụng bất cứ hóa chất nào. Ngoài đậu phụ, chị Thủy còn nấu nước đậu và đậu non để bán.
Với phương châm đặt sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu nên đậu chế biến đến đâu đều được chị Thủy bán đến đó chứ không để qua ngày. Dù là đậu sạch, làm kỳ công nhưng chị Thủy chỉ bán với giá 2.000 đồng/miếng. Nhờ vậy, cửa hàng đậu phụ của chị luôn tấp nập khách, lúc cao điểm không có đủ để bán. Trung bình mỗi ngày, chị Thủy cung cấp ra thị trường từ 30-35 kg đậu phụ. Hiện đậu phụ sạch của chị Thủy cũng được các quán ăn, nhà chùa trên địa bàn đặt mua.
Có thể thấy, trong tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, vườn rau sạch của bà Hường hay cửa hàng đậu phụ sạch của chị Thủy đã cung cấp một nguồn thực phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng cho người dân trên địa bàn. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong nuôi trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc