Multimedia Đọc Báo in

Thỏa ước lao động tập thể: Vẫn mang tính hình thức!

14:24, 10/10/2018

Việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm, thực hiện nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động. Tuy nhiên, thực tế việc ký TƯLĐTT ở phần lớn các doanh nghiệp vẫn còn mang tính hình thức, đối phó…

Chia sẻ lợi ích

Công đoàn Công ty TNHH Một thành viên Cao su Đắk Lắk có 17 công đoàn cơ sở thành viên trực thuộc với 3.000 công nhân lao động. Để góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ doanh nghiệp, Công đoàn Công ty thường xuyên tiến hành rà soát, ký kết lại bản TƯLĐTT phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị hoặc sửa đổi bổ sung nội dung thỏa ước thông qua ý kiến đóng góp của người lao động tại hội nghị cán bộ công chức, người lao động và đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Thông qua hoạt động đối thoại định kỳ (3 tháng 1 lần) và tổ chức ở 3 cấp (đội sản xuất, chi nhánh và công ty) người lao động được thể hiện vai trò làm chủ của mình, được quyền quyết định các nội dung như biểu quyết các chỉ tiêu kế hoạch của đơn vị, nội quy, quy chế; nêu lên các thắc mắc, kiến nghị chính đáng về chế độ chính sách, cơ sở vật chất…

Người lao động làm việc tại khu du lịch Cộng đồng Ko Tam.
Người lao động làm việc tại khu du lịch Cộng đồng Ko Tam.

Chị H’Níp Ayun (Công đoàn cơ sở Nông trường Cao su Cư Bao) chia sẻ, bản thân là công nhân cạo mủ nhưng cũng là thành viên của tổ đối thoại nên qua các buổi đối thoại với người lao động hằng quý, những yêu cầu, tâm tư nguyện vọng chính đáng của anh chị em công nhân như tiền lương, chế độ phúc lợi, an toàn vệ sinh lao động, chế độ ưu tiên tuyển dụng con em của người lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số… đều được ghi nhận và có những điều chỉnh, phản hồi kịp thời với nhiều điều khoản có lợi. Qua đó, người lao động cảm thấy được tôn trọng, phấn khởi lao động sản xuất, hoàn thành mục tiêu chung của doanh nghiệp.

Qua đánh giá phân loại chất lượng bản TƯLĐTT, trong số 152 bản TƯLĐTT các doanh nghiệp gửi về Liên đoàn Lao động tỉnh, chỉ có  4 bản xếp loại A, 16 bản loại B, 36 bản loại C và 23 bản loại D, còn lại 73 bản không phân loại.

Với Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Quản lý đô thị và Môi trường Buôn Hồ, bản TƯLĐTT phù hợp về điều kiện làm việc, trang bị bảo hộ lao động, thời gian nghỉ ngơi, trợ cấp khó khăn đột xuất, chế độ đối với nữ lao động… giúp người lao động yên tâm làm việc. Đơn cử như trường hợp bà Phạm Thị Hiến là công nhân lao động vệ sinh môi trường hơn 17 năm. Trước đây, công việc của bà là đi theo các xe thu gom rác, nhưng những năm gần đây, do tuổi đã cao (ngoài 55 tuổi), sức khỏe cũng giảm sút nên bà được bố trí việc quét rác trên một đoạn đường gần nhà. Theo bà Hiến, so với việc theo xe đi thu gom rác thì công việc hiện nay  nhẹ nhàng hơn. Không những thế, do cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nên bà còn được Công ty hỗ trợ xây nhà, thăm hỏi những lúc ốm đau…

Cần chú trọng về chất lượng

Để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp cho đoàn viên, người lao động trong các doanh nghiệp, những năm qua, Liên đoàn Lao động các cấp trên địa bàn tỉnh đã tăng cường các biện pháp thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện TƯLĐTT trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay số doanh nghiệp thực hiện việc thương lượng và ký kết TƯLĐTT vẫn chưa cao. Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 290 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cơ sở với gần 11.000 đoàn viên. Tuy nhiên, chỉ mới có 190 doanh nghiệp xây dựng và đăng ký TƯLĐTT (trong đó có 28 doanh nghiệp nhà nước, 162 doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Công việc cạo mủ cao su  của chị N’Níp Ayun (công nhân Công ty TNHH Một thành viên  cao su  Đắk Lắk).
Công việc cạo mủ cao su của chị N’Níp Ayun (công nhân Công ty TNHH Một thành viên cao su Đắk Lắk).

Trao đổi về vấn đề này, ông Y Jone Ktull, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Bên cạnh một số doanh nghiệp thực hiện tốt việc thương lượng và ký kết TƯLĐTT thì hiện vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp dù đã ký TƯLĐTT nhưng chỉ mang tính hình thức để đối phó với cơ quan quản lý nhà nước về lao động; nội dung chủ yếu là sao chép một số điều khoản quy định của Bộ luật Lao động, chưa cụ thể hóa vào tình hình cụ thể của doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể cho phù hợp với sự thay đổi của pháp luật; một số chưa thương lượng, ký kết lại trong khi bản thỏa ước đã hết hạn”.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên có thể nói do từ nhiều phía. Ngoài việc xem nhẹ, chưa quan tâm thực hiện của chủ doanh nghiệp thì còn do công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra của tổ chức công đoàn chưa chủ động, còn nhiều hạn chế. Do đó, để nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, ngoài việc ý thức của các doanh nghiệp thì các cấp công đoàn chủ động đưa ra yêu cầu và nội dung thương lượng; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật lao động cho người lao động; tăng cường kiểm tra việc thực hiện ký kết TƯLĐTT tại các doanh nghiệp, đồng thời xử phạt nghiêm những đơn vị vi phạm, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.        

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.