Multimedia Đọc Báo in

Người dân xã Ea Sin mòn mỏi chờ điện

09:30, 20/11/2018

Gần 10 năm qua, hơn nghìn hộ dân ở các buôn Ea Kăp, Ea Kring, Ea Klang, Ea My và 2 khu tự quản Ea Măk, Cư Kbiêng (xã Ea Sin, huyện Krông Búk) vẫn ngày đêm mong ngóng điện lưới quốc gia.

Mặc dù chỉ cách trung tâm xã hơn 500 m nhưng hơn 100 hộ dân ở buôn Ea Kring gần như tách biệt với đời sống hiện đại bởi phần lớn người dân nơi đây đều phải sử dụng đèn dầu hoặc tấm năng lượng mặt trời để thắp sáng. Chị Phạm Thị Giang, một người dân ở buôn Ea Kring cho biết, nơi đây chưa có điện lưới nên gia đình chị phải sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, do bình ắc quy tích điện kém nên nguồn điện chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thắp sáng. Nhiều khi gia đình chị muốn xem ti vi để nắm bắt thông tin thời sự, tham khảo những mô hình chăn nuôi, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế nhưng cũng đành chịu.

Không có điện, mọi sinh hoạt của gia đình chị Phạm Thị Giang ở buôn Ea Kring phải nhờ vào bình ắc quy.
Không có điện, mọi sinh hoạt của gia đình chị Phạm Thị Giang ở buôn Ea Kring phải nhờ vào bình ắc quy.

Ngóng chờ lưới điện quốc gia mãi không được, một số hộ khá giả ở xã đã chấp nhận bỏ ra hàng chục triệu đồng để kéo điện từ tổ quản lý điện tư nhân về dùng với giá từ 3.200 – 4.100 đồng/kWh, cao gần gấp 3 lần so với giá bán của ngành Điện lực. Ông Kiều Xuân Hương, ở buôn Ea Kring than thở: "Năm 2015, gia đình tôi đầu tư 45 triệu đồng để kéo điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Có thời gian chỉ dùng điện để thắp sáng và xem ti vi vào buổi tối nhưng mỗi tháng cũng phải trả từ 400.000 – 500.000 đồng tiền điện. Đặc biệt vào mùa khô, nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất gia tăng khiến tiền điện của gia đình lên đến gần 10 triệu đồng/tháng".

Cùng cảnh ngộ như hộ ông Hương, ông Nguyễn Công ở khu tự quản Ea Măk bức xúc: “Khi nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao thì nguồn điện tại đây không thể đáp ứng được. Nhiều thiết bị điện thông thường như nồi cơm điện, tủ lạnh, ti vi... chỉ sử dụng được vào giờ thấp điểm. Bên cạnh đó, do điện chập chờn nên các loại máy phục vụ sản xuất cũng bị hư hỏng nặng, còn bóng đèn thì không biết mỗi năm phải thay bao nhiêu cái khiến sinh hoạt của cả gia đình bị đảo lộn và gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế”.

Ông Phạm Văn Cháng, Chủ tịch UBND xã Ea Sin cho biết, đến thời điểm này, nguồn điện quốc gia trên địa bàn xã mới chỉ đáp ứng được gần 50% hộ dân. Nguyên nhân là do địa hình các thôn bị chia cắt phức tạp, các hộ dân phân bố rải rác, khó tập trung thành một điểm để kéo điện.

“Việc không có điện ở 4/8 thôn, buôn và 2 khu tự quản đã khiến việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình trạng đó, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị với UBND huyện, ngành Điện lực và các cơ quan chức năng sớm đầu tư kéo điện về các thôn, buôn để việc sinh hoạt, sản xuất của người dân được thuận lợi nhưng đến nay vẫn chưa thấy cơ quan nào đứng ra giải quyết" - ông Phạm Văn Cháng cho hay.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.