Multimedia Đọc Báo in

Phóng viên VOV Tây Nguyên: Những chuyện chưa kể

07:51, 30/11/2018

Được ví như những “con ong” chăm chỉ bay khắp núi rừng Tây Nguyên góp nhặt thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác để phục vụ công chúng ở cả bốn loại hình báo chí, các phóng viên VOV Tây Nguyên có nhiều kỷ niệm sâu sắc khó quên trong các chuyến tác nghiệp.

Gặm bánh mì đưa tin hiện trường

Phóng viên Khoa Điềm đảm nhiệm thông tin địa bàn tỉnh Kon Tum. Với anh, kỷ niệm đáng nhớ nhất là chuỗi thông tin sự kiện sạt lở núi trên Quốc lộ 24 cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch nối Kon Tum với Quảng Ngãi do ảnh hưởng của siêu bão Hải Âu cuối năm 2013.

Rạng sáng 5-11-2013, nhận tin tuyến Quốc lộ 24 xuất hiện hàng chục điểm sạt lở, phóng viên Khoa Điềm một mình khăn gói lên đường, với hành lý rất lỉnh kỉnh, gồm: máy quay phim chuyên dụng, máy ảnh, máy ghi âm, máy tính… Sau hành trình đi nhờ đủ loại phương tiện, từ xe khách, xe chở đá công trình đến xe con rồi tiếp tục đi bộ, anh đã tiếp cận được điểm sạt lở đầu tiên tại Km 75+900 QL24, thuộc xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, Kon Tum. Khoa Điềm khẩn trương ghi hình, chụp ảnh, phỏng vấn; vừa làm phản ánh cho phát thanh, truyền hình và báo điện tử. Cứ mỗi lần xong việc tại hiện trường, anh lại nhờ tài xế công trường chở về điểm kết nối được sóng điện thoại cách hiện trường hơn 10 km để viết, đọc, dựng chuyển tin bài về cơ quan.

Phóng viên VOV Tây Nguyên tường thuật trực tiếp tại một sự kiện.
Phóng viên VOV Tây Nguyên tường thuật trực tiếp tại một sự kiện.

Trong ba ngày bám sát hiện trường, Khoa Điềm đã chuyển tải nhiều hình ảnh ấn tượng, xúc động trên các phương tiện truyền thông của VOV như: hình ảnh Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum dầm mình trong mưa gió từ sáng đến tối chỉ huy nổ mìn phá đá, mở đường tránh để thông tuyến; thầy giáo Trần Thanh Phúc ở xã Pờ Ê, huyện Kon Plông bất chấp hiểm nguy, băng qua điểm sạt lở đến từng gia đình thông báo với học sinh việc nhà trường cho nghỉ học để phòng rủi ro... Hình ảnh này được kênh truyền hình VOVTV lựa chọn là hình ảnh ấn tượng trong tuần, phát sóng đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm ấy.

Không chỉ “đa năng” trong tác nghiệp, Khoa Điềm còn được các đồng nghiệp trìu mến tặng cho nhiều cái “nhất” là: “Con ong” chăm chỉ nhất, nhiều tin bài nhất tháng, nhất năm, đi xe máy nhiều nhất, đến được nhiều buôn làng nhất ở Kon Tum, “gặm” bánh mì hành quân nhiều nhất!.

Nói ra… Bằng khen

Năm 2015, VOV Tây Nguyên được lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ đạo tường thuật trực tiếp trên Hệ Thời sự Chính trị tổng hợp VOV1 về hội thảo phát triển cây mắc-ca do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức tại Lâm Đồng.

Làm tường thuật trực tiếp đã quen nhưng tường thuật kéo dài đến 3 giờ liền thì phóng viên thường trú chưa bao giờ thực hiện. Mặt khác mắc-ca là loại cây trồng rất mới ở Tây Nguyên lúc đó, nên tuyên truyền theo hướng nào, cổ vũ hay không?.

Phóng viên VOV Tây Nguyên điều tra một vụ phá rừng ở Đắk Tô, Kon Tum.
Phóng viên VOV Tây Nguyên điều tra một vụ phá rừng ở Đắk Tô, Kon Tum.

Không chỉ phòng phóng viên mà cả cơ quan tập trung tìm hiểu, thu thập tư liệu, phỏng vấn chuyên gia và đến hầu hết các vườn trồng cây mắc-ca ở Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk để tìm hiểu. Phóng viên Lê Xuân Lãm và Hà Quang Sáng được phân công tường thuật sự kiện này. Nhờ chuẩn bị kỹ tư liệu, phóng viên đã viết, dựng sẵn đến 6 phóng sự để chèn vào giữa những bài phát biểu của các chuyên gia tại hội thảo. Buổi tường thuật diễn ra suôn sẻ. Sau đó, hai phóng viên Lê Xuân Lãm và Hà Quang Sáng đã được Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc tường thuật hội thảo. Cũng nhờ tìm hiểu sâu về cây mắc-ca mà loạt bài “Cẩn trọng với cây mắc-ca” của nhóm phóng viên VOV Tây Nguyên đã đoạt giải C Giải Báo chí Quốc gia năm 2015.

Những nữ phóng viên trẻ năng động

Tuy mới gia nhập ngôi nhà chung VOV Tây Nguyên chưa lâu, nhưng nữ phóng viên trẻ Nguyễn Thảo (thường trú tại tỉnh Gia Lai) cũng có một kỷ niệm khó quên. Đó là quá trình thực hiện loạt tin bài “Ác bá trên núi Cheng Leng” được đăng tải trên các phương tiện truyền thông của Đài Tiếng nói Việt Nam thời gian gần đây.

Cheng Leng là ngọn núi cao, thuộc địa phận xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, cách trung tâm huyện khoảng 60 - 70 km. Từ nhiều năm qua, một nhóm dân cư vì thiếu đất sản xuất đã lên đây khai hoang canh tác, sinh sống. Dù cuộc sống bần cùng đến thế nhưng họ thường xuyên bị đối tượng Phạm Ngọc Tân o ép phải bán rẻ nông sản, bị thu thuế đường, bị cướp nông sản tại ruộng, thậm chí bị hành hung. Đối diện với vấn đề rất “nóng”, nhạy cảm và đối tượng “ác bá” rất dữ tợn, từng có tiền án nhưng nữ phóng viên Nguyễn Thảo không hề nao núng. Chị đã nhanh chóng tìm cách tiếp cận hiện trường, len lỏi đến từng hộ dân, khai thác thông tin một cách khéo léo. Ngay sau khi thông tin được đăng tải, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Công an huyện Chư Sê vào cuộc điều tra. Đối tượng Phạm Ngọc Tân đã thừa nhận hành vi của mình. Vụ thu hoạch sắn này, người dân trên núi Cheng Leng không còn bị quấy nhiễu, o ép. Chính quyền địa phương cũng nhận thấy rõ nỗi khổ của người dân và đang lên phương án di dời để sớm ổn định cuộc sống cho bà con.

Những ngày tác nghiệp trên núi Cheng Leng, Nguyễn Thảo phải để hai con nhỏ ở nhà trong khi chồng cũng công tác xa. Phản hồi tích cực từ chính quyền và cơ quan chức năng sau những bài báo như vậy là động lực giúp chị và các phóng viên khác vượt qua những khó khăn của cuộc sống để tiếp tục bám nghề.

Nữ phóng viên H’Xíu Hmok là người Êđê, từng được bạn đọc biết đến qua nhiều tác phẩm thơ và truyện ngắn dưới bút danh Hồ An Phương. Khi trở thành phóng viên VOV Tây Nguyên, H’Xíu Hmok đã phát huy lợi thế riêng có, được trở về với buôn làng nơi chị sinh ra và lớn lên để thỏa sức thể hiện mảng đề tài văn hóa các dân tộc trên phương tiện phát thanh. Nhiều phóng sự của H’Xíu đầy ắp hơi thở cuộc sống ở buôn làng các dân tộc anh em; các hoạt động lễ hội, phong tục tập quán, âm nhạc dân gian, ẩm thực… được chị thể hiện một cách sáng tạo bằng ngôn ngữ phát thanh rất sinh động, độc đáo. Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên H’Xíu lại càng tự hào về nền văn hóa phong phú, đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Phùng Quốc Học


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.