"Săn" cua đồng
Cua đồng là thực phẩm giàu canxi và chất dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ngon như: cua rang me, cua chiên giòn, bún riêu cua…, giá cả lại hợp lý (dao động từ 15-30 nghìn đồng/kg) nên được nhiều người chọn mua. Chính vì vậy, nhiều nông dân đã tranh thủ thời gian nhàn rỗi đi bắt cua đồng. Công việc bắt cua đồng khá đơn giản, chỉ cần một cái túi hoặc xô để đựng cua, đèn pin, rồi cứ thế “săn” cua trên khắp các cánh đồng.
Bắt cua đồng đem bán thu nhập cho nhiều nông dân khi rảnh việc đồng áng. |
Bắt cua đồng tuy chỉ là công việc thời vụ làm lúc nông nhàn nhưng lại mang về thu nhập kha khá, phần nào giúp một số người dân trang trải cuộc sống hằng ngày. |
Gia đình chị H’Dơn Arul ở buôn Jung A (xã Ea Ktur) có ít đất sản xuất phải đi làm thuê, nên thu nhập bấp bênh. Vì vậy, hằng ngày, sau khi đi làm thuê về, đúng 20 giờ, vợ chồng chị đi tới các cánh đồng trên địa bàn để "săn" cua đến hơn 23 giờ mới về, ngày nhiều thì được 4 – 5 kg, còn ngày ít khoảng 1 – 2 kg. Số cua bắt được, chị H’Dơn đem ra chợ bán vào sáng hôm sau, chỉ trong vòng 20 phút số cua đã được người dân mua hết sạch, nhờ đó vợ chồng chị có thêm một khoản thu nhập để trang trải sinh hoạt. Thế nên, dù ban ngày đi làm thuê vất vả, nặng nhọc như thế nào thì tối đến vợ chồng chị vẫn tranh thủ đi bắt cua đồng. Tuy nhiên, việc “săn” cua đồng cũng gặp rất nhiều rủi ro như bị rách tay chảy máu, rắn cắn, cua kẹp… và nhiều chuyện "dở khóc dở cười" mà những ai đã từng làm công việc này mới thấu hiểu. “Có nhiều lần tôi gặp được hang cua to, mừng rỡ vội vàng cho tay vào bắt nhưng khi lôi ra thì lại là một con rắn nước, quá hoảng sợ tôi vứt hết cua rồi bỏ chạy. Nhưng lâu dần thành quen, giờ chuyện bắt trúng rắn nước, bị rắn cắn, cua kẹp là bình thường”, chị H’Dơn cho biết.
Bà H’Brap Êban ở buôn Jung A (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) đang bán cua đồng. |
Bắt cua đồng là công việc không chỉ dành cho thanh niên mà ngay trẻ con, người già đều có thể làm được. Bà H’Brap Êban, 65 tuổi, cũng ở buôn Jung A (xã Ea Ktur) hằng ngày thường đi chăn bò khắp các cánh đồng trên địa bàn xã, và cứ đến tháng 10 và 11, bà tranh thủ bắt cua đồng để cải thiện bữa ăn cho gia đình.
Trước đây, bà H’Brap chỉ bắt cua về ăn, nhưng có nhiều người hỏi mua, từ đó mỗi khi thả bò đi ăn, bà luôn chuẩn bị sẵn túi ni lông để bắt cua, mỗi ngày bà kiếm được trên dưới 100 nghìn đồng từ bán cua đồng. Thấy cua bán được giá, đắt hàng lại bắt khá đơn giản nên mỗi buổi tối, chồng bà H’Brap lại soi đèn giúp để bà bắt được nhiều hơn. Bà H’Brap cho hay, có thêm thu nhập nhưng công việc này cũng rất vất vả, nhất là với những người lớn tuổi, vì phải liên tục cúi gập lưng, dầm mưa. Muốn bắt được nhiều cua, chăm chỉ thôi chưa đủ mà cần phải thật nhanh tay, tinh mắt để khi đi bên các trục đường ruộng không bỏ sót một hang cua nào. Bây giờ cua đồng không còn nhiều như trước và có nhiều người đi bắt hơn nên thu nhập kiếm được cũng không đáng là bao. Khi các cánh đồng gần nhà đã “cạn” cua, bà H’Brap đi chăn bò ở các cánh đồng xa hơn, ít người đến để bắt được nhiều cua hơn.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc