Multimedia Đọc Báo in

Huyện Đoàn Buôn Đôn: Tạo đà cho thanh niên khởi nghiệp

08:31, 06/12/2018

Thời gian qua, Huyện Đoàn Buôn Đôn đã tích cực đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp nhằm khuyến khích đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn lập thân, lập nghiệp, phấn đấu vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. Bằng nhiều hoạt động thiết thực như hỗ trợ về vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật... Huyện Đoàn đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều ĐVTN thực hiện ý tưởng phát triển kinh tế.

Đầu năm 2018, chị Vương Thị Mai (29 tuổi, ở thôn 17B, xã Ea Bar) bắt đầu khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi dê, bò. Từ số vốn vay 30 triệu đồng của Huyện Đoàn và vay mượn thêm người thân, chị Mai đã đầu tư xây dựng chuồng trại trên tổng diện tích 100 m2 nuôi 12 con dê và 2 con bò. Chị Mai kể: “Trước kia, tôi và chồng đi làm thuê, làm hoài mà vẫn không đủ ăn. Gần đây, qua kênh của Đoàn thanh niên, tôi được vay vốn không lãi suất mới có thể thực hiện được ý tưởng chăn nuôi của mình”. Đến nay, đàn dê của gia đình chị Mai đã đẻ thêm 5 con, bò đẻ thêm 1 con, góp phần giúp gia đình tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Từ nguồn vốn vay của Huyện Đoàn Buôn Đôn, chị Vương Thị Mai (thôn 17B, Xã Ea Bar) đã yên tâm phát triển kinh tế.
Từ nguồn vốn vay của Huyện Đoàn Buôn Đôn, chị Vương Thị Mai (thôn 17B, Xã Ea Bar) đã yên tâm phát triển kinh tế.

Ngoài hỗ trợ về vốn, Huyện Đoàn Buôn Đôn còn linh hoạt giúp đỡ về giống và kỹ thuật chăn nuôi, giúp ĐVTN có thêm động lực để mở rộng quy mô sản xuất. Chị Nguyễn Thị Hồng An (31 tuổi, ở thôn 15, xã Ea Bar) xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp vườn - ao - chuồng với 7 sào cà phê xen canh cây ăn trái, 4 sào ao thả cá, nuôi 4 con bò... Gần đây, sau khi được trang bị các kiến thức về chăn nuôi ở lớp tập huấn khuyến nông cho ĐVTN, chị An đã được hỗ trợ 6 con dê giống. Đưa chúng tôi đi thăm mô hình kinh tế của mình, chị An chia sẻ: “Nhờ sự động viên và hỗ trợ của Đoàn xã, Huyện Đoàn, bản thân tôi đã tìm được hướng phát triển kinh tế hiệu quả. Hiện thu nhập của gia đình sau khi trừ chi phí đạt hơn 80 triệu đồng/năm”.

Chị Nguyễn Thị Hồng An (thôn 15, xã Ea Bar) chăm sóc đàn dê được nhận hỗ trợ từ Huyện Đoàn.
Chị Nguyễn Thị Hồng An (thôn 15, xã Ea Bar) chăm sóc đàn dê được nhận hỗ trợ từ Huyện Đoàn.

Theo anh Nguyễn Quang Trung, Phó Bí thư Huyện Đoàn Buôn Đôn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện, một trong những “nút thắt” trên con đường khởi nghiệp của thanh niên là nguồn vốn. Do đó, để tháo gỡ khó khăn này, Huyện Đoàn đã xây dựng nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp dành cho ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn. Đây là nguồn vốn vay không lãi suất từ kinh phí Nhà nước và ĐVTN đóng góp. Sau thời gian làm ăn có lãi phải hoàn vốn lại để tiếp tục xoay vòng vốn cho những thanh niên có nhu cầu. Hiện nguồn vốn này đã cho 6 đoàn viên vay với tổng số tiền là 180 triệu đồng. Ngoài ra, bằng hình thức tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, Huyện Đoàn còn giúp thanh niên có điều kiện tiếp cận với vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất..

Cùng với hỗ trợ nguồn vốn vay, từ đầu năm đến nay, Huyện Đoàn còn phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở 6 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng và vật nuôi cho 350 ĐVTN. Trên cơ sở đó, các thanh niên tự ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi tùy theo điều kiện gia đình để phát triển kinh tế, vươn lên lập thân lập nghiệp.... “Để thực sự đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, Huyện Đoàn đã chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu về học tập, nghề nghiệp và việc làm của các bạn trẻ. Ngoài trang bị kiến thức chuyên môn và tư duy làm kinh tế thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, Huyện Đoàn còn tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho thanh niên; tư vấn hướng nghiệp cho học sinh các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên... từ đó giúp các bạn có định hướng phù hợp cho tương lai của bản thân”  - anh Nguyễn Quang Trung chia sẻ thêm.

Tính đến tháng 11-2018, Huyện Đoàn Buôn Đôn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 1.112 ĐVTN vay vốn phát triển sản xuất với 37 tổ tiết kiệm, tổng dự nợ đạt 44,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, trong năm 2018, Huyện Đoàn đã trao 500 cây giống bưởi da xanh và 12 con dê với tổng trị giá 50 triệu đồng...

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.