Multimedia Đọc Báo in

Mùa hái cà phê thuê

09:09, 15/12/2018

Dưới cái nắng bỏng gắt, từng nhóm người vẫn miệt mài tuốt hết cành cà phê này đến cây khác. Công việc hái thuê tuy vất vả song ai cũng vui vì có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, nhất là dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.

Lau vội giọt mồ hôi đang nhễ nhại trên khuôn mặt lấm lem bụi đất, chị H’Ngoan Knul (SN 1989, ở buôn Ea Tiêu, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) cho biết, chị đã có hơn 10 năm đi hái cà thuê. Từ khi chị lập gia đình, bố mẹ chỉ chia cho 1 sào cà phê, nguồn thu này không đủ nuôi hai con ăn học nên vợ chồng chị phải làm thuê kiếm thu nhập. Chồng chị phụ việc cho xưởng mộc, còn chị ở nhà vừa chăm con, rảnh ra ai thuê gì làm nấy. Theo chị H’Ngoan, trước đây việc trồng tiêu, cà phê tốn nhiều nhân công, hết cuốc cỏ, cào bồn bón phân đến hái tiêu, hái cà phê… nhưng giờ máy móc đã thay thế gần hết sức người, chỉ có mùa thu hoạch chủ vườn mới cần người hái cho nhanh. Mùa thu hoạch cà phê thường bắt đầu từ đầu tháng 10 âm lịch đến cuối tháng Chạp cũng là từng ấy thời gian chị đi hái thuê khắp các vườn trong xã, huyện. Bình quân mỗi ngày, chủ vườn trả công từ 150-170 nghìn đồng kèm theo bữa ăn trưa. Để có được số tiền này, chị H’Ngoan phải làm việc chăm chỉ, hái nhanh, sạch quả trên cành, hạn chế tối đa việc tuốt nhiều lá, làm gãy cành cà phê… Như vậy mới được chủ vườn tin tưởng, thuê hái lâu dài.

H’ Níu Enuôl (trái) đang hái cà phê thuê.
H’ Níu Enuôl (trái) đang hái cà phê thuê.

H’Níu Enuôl (xã Ea Tiêu) mới 16 tuổi đã thuần thục hết các công đoạn thu hoạch cà phê từ việc kéo trải bạt, tuốt trái… H’Níu là con út trong gia đình nghèo đông con. Học đến lớp 8, em phải nghỉ học, đi làm thuê kiếm sống. Ai thuê ở em cũng đi làm bất kể xa-gần. Như mùa cà phê này, H’Níu đi hái ở huyện Krông Năng, Cư Kuin rồi ít bữa nữa em lại “bay” sang Đắk Nông hái cà phê đến gần tết mới về.  H’Níu kể, vườn bên Đắk Nông vừa rộng lại xa nên chủ thường “khoán” cả vườn. Cứ một ký cà phê tươi họ trả 1 nghìn đồng, người nào hái giỏi, 1 ngày cũng được 3-4 tạ tương đương 300-400 nghìn đồng. Người hái phải tự dựng bạt căng lều, tự lo ăn uống, chủ vườn nào thương thì cho bữa ăn giữa buổi sáng, nước uống, thuốc hút, còn không phải tự túc hết. Nhưng để có một hợp đồng nhận khoán, ngoài những mối quen, cũ, người hái thuê phải đi từng vườn hỏi thăm, thỏa thuận giá cả rồi rủ thêm 5-7 người cùng hái.

Niềm vui của người hái cà phê thuê là có thêm nhiều việc để làm.
Niềm vui của người hái cà phê thuê là có thêm nhiều việc để làm.

Cứ thế họ nhận hái hết vườn này đến vườn khác đến khi hết mùa mới thôi. Một mùa cà phê, H’Níu làm được hơn hai tháng, trừ chi phí ăn uống, đi lại, em dư khoảng 8-9 triệu đồng. Số tiền này H’Níu đưa hết cho gia đình mua gạo, trả nợ nần, còn ít để lo sắm tết. Nói về dự định tương lai, H’Níu tâm sự, nhà ít đất đai nên chưa tính được điều gì, chắc em cũng gắng nghiệp làm thuê như các anh chị mình. Tuy làm thuê vất vả, quần quật quanh năm suốt tháng nhưng H’Níu vẫn vui vì có công việc để làm. Em bị ám ảnh với những mùa giáp hạt hay những năm nhà vườn thất thu không ai thuê làm, gia đình H’Níu rơi vào cảnh túng thiếu, đói khổ.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.