Multimedia Đọc Báo in

Nghề chạy đua với "tử thần"

16:08, 30/12/2019

Trên những chuyến xe cứu thương, cùng với y, bác sĩ, những người lái xe cũng mang trong mình sứ mệnh cao cả trong cuộc chạy đua với “tử thần” để giành sự sống cho bệnh nhân.

Bản lĩnh người cầm lái

Hành trình trên chiếc xe cứu thương suốt gần 20 năm qua, ông Hà Văn Tùng (53 tuổi), Đội trưởng Đội xe cấp cứu Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên luôn tâm niệm trong đầu một điều rằng, làm nghề lái xe cứu người phải đặt cái tâm của mình vào công việc, coi bệnh nhân như người thân trong gia đình mỗi khi cầm lái. Trải qua biết bao chuyến xe cấp cứu giành giật sự sống của bệnh nhân khỏi tay “tử thần”, cũng là chừng ấy lần ông Hà cảm thấy biết ơn cuộc đời, bởi chính nó đã tôi luyện bản lĩnh để ông vững vàng với nghề mà mình đã chọn.

Ông vẫn nhớ như in lúc mới chập chững vào nghề, nhiều lần run sợ đến phát khóc vì chứng kiến máu, xác người; rồi áp lực của những lần chuyển viện gấp gáp. Có lần, ông nhận nhiệm vụ đưa một bệnh nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk chuyển gấp xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Suốt quãng đường hơn 300 cây số, ông phải tập trung tinh thần tối đa, thần kinh căng như chão, vừa lái đảm bảo an toàn, vừa lo lắng cho bệnh nhân, nhiều khi ông tưởng rằng mình không kịp thở. Rất may, do được đưa đến kịp thời nên sau đó bệnh nhân đã được cứu sống, lúc ấy ông mới có thể thở phào nhẹ nhõm.

Dù đối mặt với nhiều áp lực, căng thẳng, người lái xe cứu thương luôn tỉnh táo bảo đảm an toàn.
Dù đối mặt với nhiều áp lực, căng thẳng, người lái xe cứu thương luôn tỉnh táo bảo đảm an toàn.

Có lẽ, không chỉ riêng ông Hà mà những ai đã và đang làm nghề này, lâu dần họ đều luyện cho mình “thần kinh thép” khi làm nhiệm vụ. Đối với họ, việc tiếp xúc với máu, xác người là quá đỗi bình thường, kể cả những âm thanh lạnh lùng, chát chúa phát ra từ những chiếc còi hụ xanh - đỏ khiến người đi đường cũng không khỏi rùng mình. Trên mỗi hành trình, bất cứ tài xế xe cứu thương nào cũng luôn cân nhắc, tính toán làm sao để có thể vừa di chuyển với tốc độ cao nhưng phải an toàn và đến đích kịp thời. Bởi đa phần, những ca phải cần đến xe cứu thương đều là những ca nặng, khi ấy ranh giới sống - chết của người bệnh do chính tay bác tài nắm giữ, có khi chỉ cần đến sớm một phút thôi là sẽ có thể cứu được bệnh nhân khỏi bàn tay của “tử thần”.

Vui buồn chuyện nghề

Vào những ngày cuối tuần, dịp lễ, Tết hay đêm khuya, khi mọi người được nghỉ ngơi thì trái lại, những người lái xe cứu thương lại hoạt động tích cực hơn bao giờ hết. Lái xe tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hơn 20 năm, thực hiện bao chuyến đi cấp cứu giành lại sự sống cho bệnh nhân, không ít lần tài xế Lê Quang Hà (44 tuổi) vừa về nhà, chuẩn bị ngả lưng nghỉ thì điện thoại lại reo để đi làm nhiệm vụ. Kỷ niệm khiến anh Hà nhớ nhất là vào đêm 17-5-2012, anh nhận được điện báo đi cứu hộ nạn nhân của vụ tai nạn xe khách thảm khốc ở cầu Sêrêpôk khiến 34 người chết, hàng chục người bị thương. Không kịp nghỉ ngơi, anh tức tốc lái xe đến, chứng kiến xác người nằm la liệt anh không khỏi xót xa. Anh cùng đồng nghiệp vội vàng đưa các nạn nhân tử nạn và người bị thương trở về thật nhanh với hy vọng có thể cứu họ sống sót.

Thế mới thấy, tài xế xe cứu thương luôn phải chuẩn bị tâm thế lúc nào cũng chuẩn bị khởi hành. Hễ có điện thoại là lên xe phóng đi, bất kể thời điểm nào, dù là mưa to gió lớn hay nửa đêm gà gáy. Tuy vậy, cũng không ít lần các bác tài uất không chịu nổi khi nhận được những cuộc “điện thoại ma”, đêm hôm vội vã đi xe tới nơi rồi đành phải ngậm ngùi chở “gió” về. Nhưng điều khiến họ chạnh lòng không phải vì công việc vất vả, mà là những bữa cơm bên gia đình thường không trọn vẹn. Đã nhiều lần, trong bữa cơm gia đình, ông Tùng, anh Hà và những anh em làm nghề lái xe cứu thương đã phải bỏ dở khi nhận được lệnh làm nhiệm vụ. Chuyện đón giao thừa, ăn Tết cùng anh em đồng nghiệp, đội ngũ y, bác sĩ và người nhà bệnh nhân trên xe cứu thương đối với họ có lẽ đã không còn xa lạ. Với họ, phần thưởng quý giá nhất sau mỗi chuyến xe không phải là tiền thưởng hay bất cứ món quà nào, mà là chứng kiến người bệnh vượt qua được lằn ranh sinh tử.

Nguyễn Huyền


Ý kiến bạn đọc