Multimedia Đọc Báo in

Những phụ nữ người dân tộc thiểu số năng nổ

06:50, 22/12/2018

Nhiệt tình, năng động và chăm chỉ, tháo vát, các chị không chỉ là những cán bộ phụ nữ cơ sở gương mẫu, tận tụy mà còn là điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Chị hội trưởng người Hmông nhiệt huyết

Năm 2002, khi mới 18 tuổi, chị Đào Thị Si (dân tộc Hmông, ở thôn Ea Khiêm, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) đã tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương. Sau đó, nhờ sự nhiệt tình, năng nổ của mình, chị Si được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn Noh Prông.

Thời gian đầu đảm nhận nhiệm vụ, chị Si gặp không ít khó khăn bởi thôn Noh Prông là thôn người Hmông di cư ngoài kế hoạch, cuộc sống còn nhiều khó khăn, phụ nữ thường lấy chồng sớm khiến công tác vận động chị em tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ rất khó. Chị Si phối hợp với trưởng, phó thôn tìm hiểu, nắm chắc số phụ nữ trong độ tuổi để vận động tham gia vào tổ chức Hội. Do địa bàn thôn rộng và số lượng phụ nữ quá đông, để tạo điều kiện thuận lợi cho chị em sinh hoạt, chị đã bàn bạc với Hội Phụ nữ xã phân chia thành 6 tổ phụ nữ sinh hoạt theo 6 tổ dân cư, mỗi tổ đều có tổ trưởng, tổ phó hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện không có thù lao.

Chị Đào Thị Si và những bằng khen, giấy khen đạt được trong quá trình công tác.
Chị Đào Thị Si và những bằng khen, giấy khen đạt được trong quá trình công tác.

Bên cạnh việc tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền, chị Si đã phát huy vai trò của các chị em tổ trưởng, tổ phó đến tận nhà những cặp vợ chồng đã có đủ số con vận động thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, không tảo hôn; nhờ vậy, tỷ lệ sinh con thứ ba trong thôn giảm xuống còn 1,5%, số vụ tảo hôn từ 15 trường hợp/năm giảm xuống chỉ còn 2 - 3 trường hợp/năm. Chị còn vận động chị em hội viên xây dựng được 3 tổ tiết kiệm thu hút 200 thành viên, huy động được 14 triệu đồng; xây dựng 12 hũ gạo tiết kiệm, mỗi năm thu được 200 kg gạo giúp 30 chị em có hoàn cảnh khó khăn.

Chị đã vận động phụ nữ trong thôn hưởng ứng, thực hiện hiệu quả các phong trào như: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Học tập và làm theo lời Bác”… Với trách nhiệm người đứng đầu Chi hội, chị Si luôn tìm tòi đổi mới nội dung sinh hoạt hội, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, thường xuyên gần gũi, nắm bắt kịp thời những tâm tư nguyện vọng chính đáng của từng chị em, quan tâm giúp đỡ phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Sau 14 năm liên tục làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn Noh Prông, đến năm 2016 khi chia tách thành lập thôn Ea Khiêm, chị xin nghỉ do điều kiện sức khỏe nhưng vẫn tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến để duy trì và phát triển phong trào phụ nữ của thôn.

Không chỉ nhiệt tình, tâm huyết với hoạt động Hội Phụ nữ, chị Si còn là một tấm gương về phát triển kinh tế gia đình. Gia đình chị hiện có 4 ha đất sản xuất, trong đó có 1.700 cây cà phê kinh doanh, 1 ha điều và 1 ha sắn. Năm 2017, nhận thấy cây ăn trái là loại cây có giá trị kinh tế đang được thị trường ưa chuộng, chị đã vận động 3 hộ mạnh dạn chuyển đổi 2 ha diện tích trồng ngô kém năng suất sang trồng quýt đường và cam sành, trong đó gia đình chị trồng được 300 cây quýt đường và cam sành. Hiện nay gia đình chị lãi ròng 80 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí.

Với những nỗ lực của mình, năm 2016 chị Si đã được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen về “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được đi dự Hội nghị biểu dương Phụ nữ dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Cán bộ phụ nữ người Êđê tận tụy

Sau thời gian làm cộng tác viên dân số, chị H’Wôn Niê được tín nhiệm làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) từ năm 2016 đến nay.

Với vai trò “đầu tàu” trong công tác Hội, hơn ai hết chị H’Wôn hiểu rằng muốn đưa phong trào đi lên thì trước hết phải giúp chị em phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Chị đã chỉ đạo các chi hội kịp thời nắm bắt hoàn cảnh, nhu cầu của hội viên; phân loại hộ hội viên nghèo, tìm hiểu nguyên nhân để có những biện pháp tư vấn, hỗ trợ phù hợp. Chị cùng Ban Chấp hành Hội chủ động khai thác các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế. Đến nay, tổng nguồn vốn vay Hội đang quản lý đạt hơn 9,3 tỷ đồng, cho 375 hội viên vay. Cùng với đó, Hội Phụ nữ xã Ea Tul còn vận động các hội viên xây dựng được 5 tổ “góp vốn xoay vòng” tại các chi hội, huy động số vốn hơn 100 triệu đồng... Nhờ các biện pháp thiết thực, hiệu quả, cuộc sống của các chị em hội viên ngày càng được cải thiện, số hộ nghèo từ 127 hộ năm 2013 đến nay đã giảm xuống chỉ còn 38 hộ. Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia các phong trào của hội, từ 1.300 hội viên năm 2012 đến nay đã tăng lên hơn 1.600 hội viên, tham gia sinh hoạt ở 13 chi hội thôn, buôn…

Chị H’Wôn Niê (trái) trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về trồng và chăm sóc cây cà phê  với một hội viên.
Chị H’Wôn Niê (trái) trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về trồng và chăm sóc cây cà phê với một hội viên.

Trong phong trào “Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới”, bên cạnh việc kêu gọi các cán bộ, hội viên phụ nữ đóng góp kinh phí, ngày công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, từ năm 2014 đến nay chị H’Wôn Niê đã vận động các chị em đảm trách 6 “Đoạn đường phụ nữ tự quản” với chiều dài hơn 3.000 m với các hoạt động: tổ chức quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải, trồng nhiều loại hoa làm đẹp cho các tuyến đường... Đặc biệt, trong năm 2018 chị đã tham mưu cho UBND xã thành lập được một “tổ thu gom rác thải sinh hoạt” tại buôn Sah A.

Một chương trình cũng rất ý nghĩa mà chị H’Wôn Niê cùng với Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã duy trì trong nhiều năm qua là vận động hội viên tham gia phong trào “Nuôi heo đất tiết kiệm”, xây dựng “Hũ gạo tình thương”. Hiện nay, Hội đang nuôi 14 con heo đất và xây dựng được 2 “hũ gạo tình thương”; trung bình mỗi năm thu được khoảng 150 kg gạo, giúp đỡ 3 - 5 phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Với những đóng góp của chị H’Wôn Niê, trong những năm qua công tác hội và phong trào phụ nữ trên địa bàn xã Ea Tul đã có những chuyển biến tích cực, nhiều năm nay Hội LHPN xã Ea Tul luôn được đánh giá là đơn vị vững mạnh. Cá nhân chị H’Wôn nhiều năm liên tục được các cấp biểu dương, khen thưởng.

Viết Tăng - Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.