Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Hmông ở Cư San khéo tay thêu thùa

08:14, 02/12/2018

Đến Cư San (huyện M’Đrắk) không khó bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Hmông với cây kim sợi chỉ, mảnh vải trên tay mải miết thêu, tạo nên những họa tiết vô cùng đặc sắc cho bộ trang phục của mình.

Với người phụ nữ Hmông ở Cư San, bên trong chiếc túi cá nhân của mỗi người mang theo lúc nào cũng có đồ để thêu. Khi rảnh rỗi, lúc nghỉ ngơi sau chặng đường dài mệt mỏi, họ sẵn sàng ngồi xuống bất cứ chỗ nào ven đường để thêu. Đồ thêu của phụ nữ Hmông có thể là một chiếc khăn, một cái váy, cái áo, túi đeo chéo trước ngực hay đơn giản chỉ là những họa tiết nhỏ đính trên vành cổ áo, thân áo, cổ tay… Kỹ thuật thêu của người Hmông có hai cách là thêu lát và thêu chéo mũi. Với hai cách thêu này giúp cho các nét thêu mềm mại, phóng khoáng, không bị gò bó trong kỹ thuật thêu luồn sợi, màu, dựa theo thớ vải ngang, dọc mà các dân tộc khác thường làm.

Bà Ma Thị Mị bày cho cháu gái thêu những họa tiết đơn giản.
Bà Ma Thị Mị bày cho cháu gái thêu những họa tiết đơn giản.

Người Hmông thường sử dụng những họa tiết như: hình hoa tám cạnh, đường thẳng, hình tròn, hình xoáy trôn ốc, chữ thập, chữ đinh… để trang trí lên y phục của mình. Cùng với cách chọn màu khi thêu là: đỏ tươi, đỏ thắm, nâu, vàng, trắng, xanh, xanh lá cây, lam… đã tạo nên những trang phục đẹp mắt mang được sắc thái rất riêng biệt của người Hmông.

 

“Để lưu giữ nghề thêu truyền thống của người Hmông ở Cư San, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tuyên truyền vận động các hội viên là người Hmông có nhiều kinh nghiệm về nghề thêu để thành lập những câu lạc bộ, tổ thêu thổ cẩm. Những sản phẩm của chị em khi làm ra sẽ được giới thiệu với cộng đồng và tìm đầu ra cho các sản phẩm".

 
 
Chị Hồ Thị Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cư San

Dù đã 80 tuổi, mắt mờ tay chậm nhưng bà Ma Thị Mị ở thôn 7, xã Cư San vẫn hằng ngày trước hiên nhà chậm rãi với từng đường kim mũi chỉ tự thêu váy áo cho mình và con cháu trong nhà. “Tôi biết thêu từ khi 14 tuổi, đã là con gái người Hmông thì phải biết thêu. Thêu để tự may đồ cho mình, cho mọi người và hơn hết, thêu là để chàng trai ưng cái bụng, tán tỉnh rồi đưa nhau về một nhà, thành vợ, thành chồng”, bà Mị tâm sự.

Người Hmông đánh giá tài năng, vẻ đẹp và đức hạnh của người phụ nữ qua khả năng thêu vá thể hiện trên bộ trang phục mà họ mặc trong những dịp đặc biệt. Đây cũng là "tiêu chí" để những chàng trai tìm cho mình một cô gái khéo tay, siêng năng, cần cù về làm vợ. Ngay từ nhỏ khi đôi tay bắt đầu biết làm việc cũng là lúc các cô gái người Hmông được bà, mẹ dạy cách cầm kim chỉ để thêu váy cho mình. Học thêu có thể chỉ mất vài tháng nhưng để thêu được những tấm thổ cẩm đẹp thì có thể mất cả đời, vì thế, những người phụ nữ Hmông dù cả ngày vất vả với việc nương rẫy nhưng khi rảnh rỗi họ lại miệt mài thêu thùa. Chính vì thế mà trải qua hàng trăm năm, nghề thêu của người Hmông ở Cư San nói riêng và cả nước nói chung vẫn được duy trì cho đến hôm nay.

Phụ nữ Mông ở Cư San vẫn thường xuyên mặc trang phục truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Phụ nữ Mông ở Cư San vẫn thường xuyên mặc trang phục truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Mặc dù hiện nay cùng với sự phát triển của xã hội, phụ nữ Hmông có thể dễ dàng tìm mua những bộ trang phục may, thêu công nghiệp bán sẵn cũng như hoa văn họa tiết được in sẵn với giá bán rẻ hơn nhiều so với một bộ đồ thêu thủ công nhưng họ vẫn gắn bó với nghề thêu truyền thống. Em Ma Thị Cá ở thôn 7, xã Cư San cho biết: "Từ nhỏ em đã thấy mẹ và bà thêu nên những bộ trang phục rất đẹp, em rất thích nên cố gắng học thêu để tự may váy cho mình và sau này còn lưu truyền lại cho mai sau".

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.