Multimedia Đọc Báo in

Thủ lĩnh Đoàn đa tài

10:03, 26/12/2018

Tham gia công tác Đoàn tại thôn Đray Sáp (xã Đray Sáp, huyện Krông Ana) từ năm 2008, đến năm 2016 anh Phạm Bá Nguyên được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã Đray Sáp. Trong suốt thời gian tham gia công tác Đoàn, Nguyên luôn thể hiện được mình là thủ lĩnh thanh niên đa tài, có nhiều đóng góp trong công tác xã hội tại địa phương.

Năm 2017, anh cùng Ban Chấp hành Đoàn xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục cộng đồng của xã đã đi vận động, mở lớp dạy xóa mù chữ cho bà con ở buôn Tuôr B (xã Đray Sáp). Sau một thời gian tích cực vận động, đã có 35 học viên đăng ký tham gia lớp học. Nguyên cùng một cô giáo ở Trường Tiểu học Tình Thương (xã Đray Sáp) trực tiếp phụ trách đứng lớp. Anh tâm sự: "Mỗi tối, sau một ngày lao động vất vả, bà con buôn Tuôr B lại háo hức bồng bế con cái về nhà văn hóa cộng đồng của buôn để học chữ. Nghe những người đáng tuổi mẹ, tuổi bà gọi mình bằng thầy, mình cảm thấy có gì đó vui vui". Suốt 3 tháng tổ chức lớp học, cứ từ 7 đến 9 giờ tối, anh lại tạm gác công việc, gia đình sang một bên để tận tình chỉ dạy cách đọc, viết chữ và những phép toán đơn giản cho bà con. Cùng với đó, anh cùng Đoàn xã vận động quyên góp áo ấm phát cho bà con, điều đó khiến người dân càng quý mến và chăm chỉ đến lớp. Sau ba tháng, các học viên đã có thể biết đọc, viết tên của mình và tự làm được những phép toán đơn giản...

Anh Phạm Bá Nguyên (bìa phải) và các học viên trong giờ thực hành lắp mạch điện.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh Phạm Bá Nguyên (bìa phải) và các học viên trong giờ thực hành lắp mạch điện. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Không chỉ mở lớp xóa mù chữ, để hỗ trợ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn tiếp cận được với các ngành nghề, giúp tăng thu nhập, giải quyết việc làm, Đoàn xã đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện rà soát nhu cầu và tiến hành mở các lớp học nghề cho ĐVTN trên địa bàn. Năm 2018, lớp “Điện dân dụng” được mở tại xã Đray Sáp, thu hút 34 học viên tham gia. Từng tốt nghiệp Trung cấp ngành điện, nắm vững kiến thức về nghề điện, Nguyên tham gia dạy lớp điện dân dụng cho ĐVTN. Vốn là Bí thư Đoàn xã, giờ trở thành “thầy” dạy cho các bạn ĐVTN nên việc truyền đạt dễ dàng hơn, mọi người cũng chịu khó lắng nghe và rất hào hứng tham gia lớp học. Cứ thế, một tuần 3 buổi, từ 7 đến 9 giờ tối, anh lại lên lớp dạy những kiến thức cơ bản về điện dân dụng như: đấu nối các mạch điện, nguyên lý hoạt động của mạch điện… Kết thúc khóa học, nhiều học viên đã có thể tự sửa chữa điện trong gia đình và nhận sửa chữa, lắp đặt điện dân dụng cho những ai có nhu cầu, giúp có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Anh Phạm Bá Nguyên trong một chương trình thiện nguyện. Ảnh do nhân vật cung cấp
Anh Phạm Bá Nguyên trong một chương trình thiện nguyện. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ngoài ra, Nguyên đã cùng Ban Chấp hành Đoàn xã tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện như: tổ chức các chương trình “Tết ấm áp – Tết yêu thương”, “Trung thu yêu thương”; ra quân dọn vệ sinh các tuyến kênh mương nội đồng, xây dựng bể chứa rác thải vật tư nông nghiệp trên các cánh đồng, trồng cây xanh cảnh quan… Anh cũng tích cực đứng ra kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân để xây dựng nhà Nhân ái tặng các hộ có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp cùng các Đoàn trường đi vận động học sinh bỏ học và có nguy cơ bỏ học đến lớp…

Không chỉ phát huy được vai trò của thủ lĩnh thanh niên trong các hoạt động phong trào của Đoàn xã, mới đây, Nguyên còn là một trong ba thanh niên tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chọn tham gia “Hành trình tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2018 vì đã có đề xuất ý tưởng khởi nghiệp "cải tạo những cánh đồng lúa kém năng suất sang trồng hoa màu", mang lại hiệu quả kinh tế cao có ý nghĩa cho tập thể, cộng đồng.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.