Multimedia Đọc Báo in

Dịch vụ gói bánh chưng, bánh tét "vào mùa"

08:37, 19/01/2019

Ngày nay, cuộc sống hiện đại hối hả, bận rộn nên nhiều người tìm đến với các dịch vụ gói bánh chưng, bánh tét dịp Tết. Có cầu ắt sẽ có cung nên dịch vụ này càng nở rộ.

Dạo quanh các tuyến đường lớn hoặc chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, không khó để tìm ra các điểm cung cấp bánh chưng, bánh tét ngày Tết. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà (ở phường Thành Nhất), khách hàng tại một điểm bán bánh chưng ở chợ Phan Đình Phùng, cho biết: “Những ngày cuối năm công việc kinh doanh của gia đình tôi khá bận rộn nên tôi đặt làm vài cặp bánh chưng. Ngày thường gia đình tôi hay mua bánh ăn ở đây, thấy ngon nên đặt người ta gói bánh Tết luôn”.

Bà Trần Thị Thu cẩn thận đặt từng nguyên liệu vào trong chiếc bánh tét.
Bà Trần Thị Thu cẩn thận đặt từng nguyên liệu vào trong chiếc bánh tét.

Bà Sáu (70 tuổi, tên thật là Lương Thị Hương), chủ một điểm bán bánh chưng khá nổi tiếng ở đường Phan Bội Châu, người gắn bó với nghề bánh chưng, bánh tét gần 30 năm cho hay: “Dịch vụ gói bánh chưng, bánh tét bắt đầu nhộn nhịp từ 15 tháng chạp đến hết ngày 30 Tết. Năm nào cũng vậy, càng gần đến Tết càng nhiều người đặt. Như năm ngoái, các ngày cận Tết gia đình tôi nhận làm khoảng 400 - 500 chiếc/ngày. Nhà tôi 8 người làm cả ngày lẫn đêm mới kịp giao hàng".

Theo các hộ gia đình kinh doanh bán bánh chưng, bánh tét dịp Tết, giá các loại bánh tăng gấp đôi so với ngày thường, dao động từ 60 - 70 nghìn đồng/chiếc, tùy vào trọng lượng của từng loại bánh.

Theo nhận định của bà Sáu, lượng khách đặt bánh năm nay có thể tăng vì nhu cầu mua bánh của người dân ngày càng nhiều. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, bà chỉ nhận đơn đặt hàng vừa phải, đến ngày 29 Tết sẽ không nhận đặt bánh.

Còn bà Phạm Thị Vinh (50 tuổi, ở phường Tân Lập) làm nghề bán xôi kiêm thêm nghề “thời vụ” gói bánh chưng ngày Tết chia sẻ: “Tôi học gói bánh từ mẹ. Trước tôi chỉ gói bánh cho cả nhà ăn những dịp lễ, Tết, sau đó, cứ đến cận Tết lại có nhiều người quen đặt tôi làm bánh. Thế là tôi gắn bó với nghề này cho đến nay đã hơn 20 cái Tết”. Thời điểm này, bà Vinh đã bắt đầu nhận đơn hàng, chủ yếu khách quen là cán bộ công chức, người buôn bán...

Một điểm bán bánh chưng, bánh tét trên đường Phan Bội Châu.
Một điểm bán bánh chưng, bánh tét trên đường Phan Bội Châu.

Theo bà Vinh, để có chiếc bánh chưng ngon và bảo quản được lâu thì khâu chuẩn bị nguyên liệu là quan trọng. Lá dong tốt nhất là loại lá to, xanh tươi. Nếp gói bánh phải loại dẻo thơm, cần được ngâm nước kỹ, đãi sạch, xóc muối trắng. Nhân đỗ có thể làm chín hoặc sống; gói bánh phải chặt tay, luộc trong 12 tiếng đồng hồ liên tục và quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong khi nhiều hộ gia đình bán cả bánh chưng, bánh tét dịp Tết thì gia đình bà Trần Thị Thu (61 tuổi, ở phường Thành Công) chỉ chuyên nhận gói bánh tét. Bà Thu cho biết đây là nghề “gia truyền” của gia đình bà ở miền Tây. Khi lên Đắk Lắk lập nghiệp, bà tiếp tục giữ nghề, giúp vợ chồng bà nuôi 6 người con ăn học đầy đủ. “Ngày thường tôi chỉ làm 60 chiếc bánh nhưng đến những ngày giáp Tết tôi làm đến 2.000 chiếc. Công việc dù vất vả nhưng mọi người trong gia đình đều cảm thấy hào hứng và làm việc không biết mệt mỏi. Làm bánh vừa có thêm thu nhập, vừa lưu giữ được nét đẹp truyền thống của gia đình...".

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.