Làn gió mới ở vùng ven Buôn Ma Thuột
TP. Buôn Ma Thuột hiện có 8 xã vùng ven, gồm: Hòa Thuận, Ea Kao, Hòa Thắng, Cư Êbur, Ea Tu, Hòa Xuân, Hòa Khánh và Hòa Phú với tổng diện tích 27.568 ha, chiếm 73,08% tổng diện tích toàn thành phố.
Trong những năm qua, thực hiện chương trình xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, mỗi xã vùng ven thành phố cũng đã tạo được dấu ấn, thế mạnh riêng góp phần thay đổi bộ mặt thành phố cũng như nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Tiêu biểu như ở xã Hòa Thuận, nếu như trước đây đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, cụ thể là cây cà phê thì những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của địa phương đã có sự thay đổi rõ rệt. Những trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết ngày càng phát triển mạnh, mang lại nguồn thu nhập lớn cho các hộ dân. Đơn cử như hộ chị Dương Thị Mỹ Trà (thôn 3), bắt đầu thực hiện mô hình chăn nuôi liên kết với Công ty CP Việt Nam từ năm 2010, đến nay gia đình chị đã có 10 trang trại chăn nuôi heo, gà với tổng thu nhập lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Theo chị Trà, các trang trại của gia đình chị đều nằm trong khu vực quy hoạch chăn nuôi tập trung của xã. Ban đầu, kinh phí đầu tư xây dựng mỗi trang trại là khoảng 2 tỷ đồng, số tiền này tuy lớn nhưng có thể thu hồi lại trong vòng 3 năm. Ngoài ra, với lợi thế của mô hình chăn nuôi liên kết là không lo lắng đầu ra cho sản phẩm, nguồn thu nhập cao, ổn định lại ít tốn công lao động… nên nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã đầu tư phát triển sản xuất. Được biết, đến nay toàn xã có 42 trang trại chăn nuôi heo, gà liên kết với Công ty CP Việt Nam.
Một tuyến đường nội thôn ở xã Hòa Thuận được bê tông hóa. |
Ngoài việc chú trọng đầu tư phát triển chăn nuôi, với nhiều lợi thế về địa hình, nghề cơ khí, thương mại, chính quyền xã Hòa Thuận cũng đang tập trung đẩy mạnh phát triển nền kinh tế theo hướng thương mại – dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp (TMDV - TTCN). Hiện nay, địa phương đã hoàn thành xây dựng Đề án Phát triển Thương mại – dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025 và đang từng bước triển khai thực hiện. Ông Lê Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Thuận phấn khởi cho biết: “Với những định hướng phát triển Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên thì quá trình chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế từ lĩnh vực nông nghiệp sang TMDV - TTCN của xã Hòa Thuận là vấn đề tất yếu, từng bước phấn đấu lên phường. Việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, bền vững, kết hợp chặt chẽ giữa TMDV và TTCN sẽ góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Có thể thấy, không chỉ riêng xã Hòa Thuận, các xã vùng ven khác của Buôn Ma Thuột cũng đang dần khẳng định nét đặc trưng, vị thế riêng của mình trong tiến trình xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng. Đó là xã Hòa Phú với lợi thế về khu công nghiệp nằm trên địa bàn đã tạo điều kiện thuận lợi, thế mạnh phát triển các ngành nghề dịch vụ. Xã Ea Kao ngoài việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản thì đang được tập trung xây dựng các dự án lớn như: khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sân golf hồ Ea Kao, Hồ thủy lợi Ea Kao, sản xuất cà phê sạch… Xã Hòa Thắng, cùng với việc phát triển ngành nghề dịch vụ, cây giống còn có thế mạnh, đặc thù với nghề trồng hoa, chăm sóc cây cảnh…
Trang trại chăn nuôi gà liên kết của gia đình chị Dương Thị Mỹ Trà (xã Hòa Thuận). |
Bên cạnh đó, diện mạo nông thôn ở các xã vùng ven khang trang, sạch đẹp hơn nhiều nhờ các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, tại 8 xã vùng ven, với sự đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của người dân đã xây dựng được 49,205 km đường thôn xóm, 68,66 km đường ngõ xóm, 31,916 km đường nội đồng; kiên cố hóa 2,285 km kênh mương ; xây dựng mới 55 phòng học và các trang thiết bị dạy học, 7 sân bóng đá mini và sân vui chơi, giải trí; nhân dân đóng góp xây 9 trạm biến áp, 37,5 km đường dây trung và hạ thế vào khu sản xuất nông nghiệp... Với những kết quả đó, những con đường đất lầy lội trước đây đã được thay bằng đường bê tông; nhu cầu học tập và vui chơi của học sinh được đáp ứng đầy đủ; hoạt động sản xuất của người dân ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả cao...
Chính sự phát triển, chuyển mình ở vùng ven đô đã và đang góp phần tạo nền móng vững chắc, góp phần giúp Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc