Multimedia Đọc Báo in

Nghề nails của người Việt ở xứ sở Kăng-gu-ru

07:58, 29/01/2019

Nghề nails (làm móng) được nhiều người Việt ở nước ngoài biết đến, đặc biệt là người Việt ở Mỹ. Có lẽ cũng giống như ở Mỹ, nghề nails ở Úc cũng có nhiều điều thú vị. Tác giả bài báo này xin kể  những câu chuyện xung quanh nghề nails ở Úc, đặc biệt là ở Nam Úc mà bản thân có cơ hội tiếp cận.

Có lẽ cũng giống như Mỹ, ở Úc nghề nails là nghề chủ yếu của phụ nữ Việt Nam định cư hay du học cùng chồng. Bên cạnh các nghề như làm ở nông trại, nhà hàng hay dọn vệ sinh phòng ốc, nghề nails cho thu nhập khá cao và nhẹ nhàng nên được rất nhiều chị em sinh sống ở đó lựa chọn. Ở Nam  Úc, thời tiết có hai mùa rõ rệt. Mùa hè thì cực kỳ nóng, nhiệt độ lên đến 430C và mùa đông rất lạnh, có khi nhiệt độ xuống 40C. Làm móng được ở trong nhà có máy điều hòa nhiệt độ chứ không phải trải qua cái nóng hay lạnh ở các nghề dịch vụ khác. Điều này một lần nữa giải thích tại sao phụ nữ thích đi làm móng hơn các nghề khác.

Thời gian bắt đầu của công việc mỗi ngày từ chín giờ sáng và kết thúc vào khoảng năm giờ chiều. Thời gian làm việc phụ thuộc vào giờ mở cửa của trung tâm thương mại. Hầu hết các tiệm làm móng ở trong các trung tâm thương mại vì ở đó phụ nữ đi mua sắm và tranh thủ đi làm đẹp. Người làm nghề nails  thường ăn sáng và tối ở nhà. Buổi trưa được ông chủ cho gạo để nấu cơm chung cho cả chủ và thợ. Người thợ chỉ việc mang đồ ăn mặn cho bữa trưa. Họ sẽ ít khi ăn trưa cùng nhau mà ai rảnh thì ăn và ra làm ngay khi có khách. Vào mùa nắng, lượng khách đông, người thợ thường được ông chủ mua thêm bánh trái để động viên và cảm ơn họ.

Ở Nam Úc, người thợ không cần có chứng chỉ hành nghề để được nhận vào làm việc mà khi mới vào làm ông chủ sẽ cho những người thợ làm trước hướng dẫn, tất nhiên lương của người thợ chính rất cao so với người thợ mới. Cũng như các ngành nghề khác ở Úc, người làm móng cũng được trả lương theo tuần. Thông thường họ trả bằng tiền mặt thay vì chuyển khoản như các công việc văn phòng khác.

Chủ tiệm và những người thợ nữ của một tiệm nails tại TP. Adelaide (Úc).
Chủ tiệm và những người thợ nữ của một tiệm nails tại TP. Adelaide (Úc).

Người làm nghề nails hầu hết là phụ nữ vì nó nhẹ nhàng so với các nghề khác. Tuy nhiên, đó là một nghề được coi là độc hại nhất trong tất cả các nghề vì các hóa chất sơn móng rất độc. Hơn thế nữa, những hạt mịn li ti do dũa bằng máy bay lơ lửng trong tiệm như sương sẽ là yếu tố gây độc vô cùng nguy hiểm khi người thợ hít vào. Tất nhiên, để hạn chế những điều này, người thợ thường đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc trong tiệm. Người làm nghề nails hầu như không có thời gian nghỉ, đặc biệt vào mùa hè. Mùa hè ở Nam Úc cũng là mùa Giáng sinh nên lượng khách tới các tiệm làm móng đông nhất. Vào những ngày đó, khách hàng phải xếp hàng dài để đến lượt được phục vụ. Ở Úc không có văn hóa tiền thưởng cho thợ như ở Mỹ. Tuy vậy, thỉnh thoảng cũng có những vị khách thưởng vài đô cho người làm móng cho mình nếu họ thực sự hài lòng.

Sau một ngày làm việc vất vả, người thợ trở về nhà với đầu tóc bết lại do bụi của móng tay, móng chân mà họ làm kết dính. Nhiều người khi được hỏi “Tại sao không làm nghề khác” thì họ trả lời vui rằng “Tuy mệt nhưng được diện váy áo đẹp”. Quả thật, so với các nghề như làm tại nông trại, hầu bàn, hay dọn vệ sinh thì chỉ có nghề làm móng chị em mới được ăn diện khi đi làm.

Nhiều ông chủ cũng vui vẻ và tin tưởng nhân viên nên họ có thể để cho nhân viên thu tiền. Có chuyện vui là, ông chủ thấy một vị khách sang trọng vào làm móng. Thông thường, cũng công việc đó thì có giá là 50 đô la, tuy vậy ông ấy lấy 100 đô la của vị khách này. Sau khi làm xong khách ra về, nhân viên hỏi “Sao ông lấy đắt vậy?”, ông chủ trả lời một cách hài hước: “Vì thấy nó đi xe xịn”.

Tuy làm nails có mức lương tốt, đặc biệt là những người có tay nghề cao nhưng họ cũng rất vất vả. Có thể những đồng tiền xanh gửi về cho gia đình đều thấm đẫm mồ hôi và cực nhọc. Nhưng, cũng giống như người thợ kể trên, chỉ cần “được mặc váy áo đẹp” thì đó đã là niềm vui của nhiều người khi gắn bó với nghề này.

Lê Văn Vượng

(Nghiên cứu sinh tại Australia)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.