Multimedia Đọc Báo in

Nghề nuôi voi bên Hồ Lắk

08:37, 31/01/2019

Hồ Lắk - địa điểm du lịch của tỉnh được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến không chỉ là hồ nước ngọt có diện tích tự nhiên lớn nhất Đắk Lắk và lớn thứ hai Việt Nam mà ở đây còn nổi tiếng với nghề nuôi voi từ bao đời.

Thương voi như con, cháu

Theo lời giới thiệu của người dân, chúng tôi tìm đến hộ anh Y Per Êung tại buôn Lê (thị trấn Liên Sơn) - chủ voi Na Túc (tên thường gọi là Bé Lỳ). Na Túc năm nay tròn 50 tuổi, được bà Yo Nhông (bà ngoại anh Y Per) “rước” về từ năm 2006. Từ đó đến nay, mọi thành viên trong gia đình anh gắn bó, yêu quý và chăm sóc Na Túc như con, cháu trong nhà. Anh Y Per kể, Na Túc được ngoại anh mua từ một hộ dân ở huyện Đắk Lấp (tỉnh Đắk Nông), lúc mới đưa về vóc dáng nhỏ bé nhưng cực kỳ lanh lẹ, không ít lần “nàng” sẵn sàng xông vào ủi những con voi lớn hơn mình về tuổi tác và hình thể.

Sau nhiều năm gắn bó, được mọi thành viên trong gia đình thuần dưỡng, nay Na Túc trở nên thùy mị, gần gũi hơn nhiều. Hằng ngày, gia đình anh cử người thay nhau dắt voi vào rừng ở các xã Đắk Phơi, Yang Tao để voi tự tìm thức ăn. Ngoài các loại lá cây rừng, mỗi ngày gia đình còn mua thêm chuối quả, mía để làm thức ăn bồi bổ cho voi.

Cách gia đình anh Y Per không xa, hộ anh Y Vinh Êung (cùng trú tại buôn Lê) cũng sở hữu voi Khăm Sen - một chú voi điển trai, vạm vỡ và có cặp mắt rất lanh lợi. Trong một lần huấn luyện, ngà của Khăm Sen bị va vào cành cây nên hiện “chàng” còn ngà một bên. Khăm Sen còn có tên gọi khác là Út Đảm. Lúc Khăm Sen về với gia đình mới tròn 2 tuổi. Năm nay, Khăm Sen 26 tuổi và đã có 24 năm gắn bó với gia đình Y Vinh nên anh hiểu khá tường tận những sở thích, cũng như điều không thích của Út Đảm.

Anh Y Vinh tâm sự, năm 1994 Khăm Sen được bố anh là ông Y Gar Hmôk trao đổi bằng một chú voi đực của gia đình cho một hộ dân ở huyện Buôn Đôn. Thời điểm Khăm Sen về gia đình, anh Y Vinh tròn 8 tuổi. Gia đình Y Vinh gồm 6 chị em, mọi người đều coi Khăm Sen như người em trai út trong nhà. Bình thường, Khăm Sen cũng như nhiều chú voi khác đều hiền lành, gần gũi với mọi người, song đến chu kỳ động dục, “chàng” thường tỏ ra giận dữ. nên vào những thời điểm này, thường từ tháng 9 của năm trước cho tới tháng 3 năm sau, Khăm Sen được trông coi kỹ hơn và du khách không được đến gần khi không có quản voi.

Anh Y Vinh Êung chăm sóc voi Khăm Sen.
Anh Y Vinh Êung chăm sóc voi Khăm Sen.

Do gần gũi với voi từ nhỏ, mỗi lần thấy Khăm Sen có biểu hiện bất thường là anh Y Vinh dễ dàng đoán ra bệnh. Anh kể, bệnh phổ biến nhất mà Khăm Sen cũng như nhiều chú voi khác thường gặp là bị đau bụng. Do đó, mỗi năm gia đình phải tẩy giun cho voi 1 lần, trường hợp voi bị đau bụng thì bảo “nài” voi dẫn ra những cánh rừng có các loại lá ăn vào có tác dụng chữa đau bụng cho voi. May mắn với Khăm Sen, bố anh Y Vinh có chuyên môn y tế nên hễ voi bị bệnh là ông thăm khám và tìm cách chữa trị ngay.

“Ưu tư” khi voi làm du lịch

Voi nuôi ở huyện Lắk nói riêng và một số địa phương khác trong tỉnh nói chung hiện nay chủ yếu phục vụ công tác du lịch. Hình thức phát triển du lịch bằng voi từ trước tới nay chủ yếu là du khách cưỡi trên lưng để voi lội qua hồ, hay bộ hành trên các tuyến đường. Tuy nhiên, hình thức này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tâm sinh lý của voi, khiến không ít voi nhà rơi vào tình trạng kiệt sức. Nhận thức được điều đó, một số chủ voi trên địa bàn huyện Lắk đã bắt đầu thay đổi tư duy, cách nghĩ và thay đổi hình thức phục vụ du lịch. Theo đó, thay vì “cưỡi voi”, quản tượng có thể gợi ý cho du khách sử dụng các hình thức thân thiện hơn với voi như chụp hình lưu niệm, tắm voi, thăm voi…

Khách du lịch chụp ảnh với voi Khăm Sen.
Khách du lịch chụp ảnh với voi Khăm Sen.

Anh Y Vinh chia sẻ, hiện nay một số du khách bắt đầu thay đổi thói quen, cách nghĩ về du lịch voi. Nhờ đó, các hình thức du lịch thân thiện với voi của anh được nhiều du khách ủng hộ. Từ đầu năm 2018 đến nay, chàng Khăm Sen của gia đình anh đã thực hiện nhiều tuor chụp ảnh với du khách. Theo đó, với khách nước ngoài thường chụp theo nhóm từ 2 đến 3 người; còn khách trong nước, thời gian gần đây số lượng khách yêu cầu chụp ảnh kỷ yếu với voi khá đông, thường 1 nhóm từ 20-30 người. Tuy nhiên, do thói quen, vẫn còn không ít du khách yêu cầu được “cưỡi voi” nên các quản tượng cũng khó lòng từ chối. Đó cũng là nỗi trăn trở chung của những chủ voi tại huyện Lắk. Anh Y Per tâm sự, nhiều khi bắt voi gồng mình để “cõng” du khách, anh cũng thấy xót xa, nhưng vì nhu cầu, vì kinh tế nên phải làm. Hiện nay, ngoài nguồn thức ăn tự nhiên trong các khu rừng, hằng ngày anh phải bỏ ra từ 200 - 300 nghìn đồng mua thức ăn cho voi. Do đó, nhiều khi phải đành liều để voi phục vụ cho khách “cưỡi”…

UBND huyện Lắk cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện còn 15 con voi nhà. Trong đó, thị trấn Liên Sơn 6 con, xã Yang Tao 6 con, xã Đắk Liêng 2 con và xã Ea Rbin 1 con. Voi trên địa bàn huyện chủ yếu để phục vụ du lịch cho khách trong và ngoài nước.

Hoàng Tuyết

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.