Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống bạo lực gia đình: Hãy mạnh dạn lên tiếng! (Kỳ 2)

09:13, 04/01/2019

[links(left)]

Kỳ 2: Phòng ngừa bạo lực gia đình ngay từ cộng đồng

Bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn dai dẳng diễn ra dưới nhiều hình thức mà nhiều khi nạn nhân không dám lên tiếng. Do đó, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng để góp phần phòng chống vấn nạn này.

Những mô hình  phòng chống BLGĐ hiệu quả

Thành lập năm 2009, tổ hòa giải thôn 3, xã Tân Lập, huyện Krông Búk hiện có 9 thành viên. Trong những năm qua với tinh thần trách nhiệm, tận tâm với công việc, tổ đã hòa giải thành công nhiều vụ việc liên quan đến BLGĐ, góp phần đem lại cuộc sống bình yên trong thôn, gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Đơn cử như trường hợp vợ chồng ông Tăng Văn Oanh (thôn 3, xã Tân Lập) trước đây hay xảy ra mâu thuẫn, xuất phát từ việc người vợ bị bệnh nên cuộc sống có nhiều khó khăn. Tính tình ông Oanh lại nóng nảy, khi ra đường gặp chuyện gì bực tức ông lại về nhà trút giận lên đầu vợ. Người vợ ngại với bà con hàng xóm nên cố cắn răng chịu đựng chứ không báo cho chính quyền hoặc tâm sự với ai. Ngoài ra, thỉnh thoảng trong các thôn xóm vẫn xảy ra những trường hợp BLGĐ như vậy.

Tổ trường tổ hòa giải Lê Hữu Công chia sẻ: Hiểu rõ được tâm lý đó nên trong quá trình triển khai công việc, tổ hòa giải đã phân công cho từng thành viên thường xuyên bám sát từng cụm dân cư, tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán của bà con để đưa ra những phương thức tuyên truyền, hòa giải phù hợp. Sau mỗi lần hòa giải các thành viên luôn ngồi lại với nhau để rút kinh nghiệm; nhờ vậy, tổ đã hòa giải thành công trường hợp gia đình ông Oanh và 14 vụ BLGĐ trong 10 năm qua.

Tổ hòa giải thôn 3, xã Tân Lập, huyện Krông Búk thường xuyên họp bàn rút kinh nghiệm sau những vụ hòa giải.
Tổ hòa giải thôn 3, xã Tân Lập, huyện Krông Búk thường xuyên họp bàn rút kinh nghiệm sau những vụ hòa giải.

Mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) lại được nhiều người tìm đến khi gặp những vướng mắc khó gỡ trong gia đình. Hiện nay mô hình có 7 thành viên, trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, tổ hòa giải và Công an xã là lực lượng nòng cốt. Địa chỉ là nơi tiếp nhận các nạn nhân bị BLGĐ, chăm sóc y tế, hỗ trợ tạm lánh, đề xuất can thiệp bằng nghiệp vụ, pháp lý cho các đối tượng. Qua 6 năm xây dựng và hoạt động, Ban chỉ đạo mô hình đã tổ chức được 17 buổi tuyên truyền tại các thôn, buôn; tiếp nhận và trợ giúp cho 4 phụ nữ bị chồng và mẹ chồng bạo hành gây thương tích. Sự tận tình động viên, khuyên nhủ, trợ giúp kịp thời của các thành viên trong mô hình đã trở thành chỗ dựa tinh thần, nơi gửi gắm tâm tư của nhiều chị em có cùng hoàn cảnh. Nhờ đó, tình trạng BLGĐ trên địa bàn đã giảm rõ rệt; góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.

Chung tay phòng, chống BLGĐ

Qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ, các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, vận động nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống BLGĐ và hậu quả của các hành vi BLGĐ đến nhân dân như: tổ chức các chương trình hưởng ứng chiến dịch truyền thông về phòng, chống BLGĐ; tổ chức nhiều hội thi, hội diễn tôn vinh các gia đình hạnh phúc tiêu biểu, lồng ghép kiến thức về các luật trong các hội thi, thu hút nhiều gia đình tham gia, cổ vũ...

Nhằm giúp cán bộ làm công tác gia đình nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, các cơ quan chức năng đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ cho 3.500 hội viên các câu lạc bộ (CLB) pháp luật, tuyên truyền viên, già làng, trưởng thôn, buôn; tư vấn cho gần 500 đối tượng bị BLGĐ và có nguy cơ xâm hại tình dục…

Các thành viên mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đến thăm hỏi gia đình từng xảy ra tình trạng BLGĐ.
Các thành viên mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đến thăm hỏi gia đình từng xảy ra tình trạng BLGĐ.

Các giải pháp can thiệp phòng, chống BLGĐ như xây dựng mô hình phòng, chống BLGĐ, can thiệp hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ cũng được triển khai. Các thành viên trong CLB, nhóm đã đến từng gia đình hoặc thông qua các buổi sinh hoạt, hội họp tại các thôn, buôn để lồng ghép tuyên truyền về Luật Phòng, chống BLGĐ đến từng người dân, nhờ vậy nhiều vụ BLGĐ đã được phát hiện, giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở. Từ đó, nhận thức của người dân cũng đã được nâng cao, đặc biệt là nam giới vốn là đối tượng chính gây ra BLGĐ.

Với nhiều biện pháp phối hợp, công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực; số vụ BLGĐ giảm dần qua các năm, cụ thể: năm 2009 là 1.780 vụ, đến năm 2011 giảm còn 798 vụ, năm 2017 là 601 vụ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai công tác này vẫn còn gặp nhiều hạn chế: các hoạt động chủ yếu là lồng ghép nên hiệu quả chưa cao; việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực gia đình cũng gặp không ít khó khăn... Vì vậy, công tác phòng, chống BLGĐ cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của toàn xã hội, trong đó phòng ngừa BLGĐ ngay từ cộng đồng là biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề ngay từ gốc.

Hiện toàn tỉnh có 273 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 472 nhóm phòng, chống BLGĐ; 527 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; hơn 2.000 tổ hòa giải ở các thôn, buôn với gần 15.000 hòa giải viên; hòa giải thành công 22.000/31.000 vụ việc từ năm 2008 đến nay.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.