Multimedia Đọc Báo in

Sáng mãi phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ"

09:16, 17/01/2019

Mặc dù điều kiện kinh tế còn rất nhiều khó khăn song nhiều cựu chiến binh (CCB) người dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu của huyện Krông Bông luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo, tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Nhiều CCB trở thành những tấm gương sáng trong các buôn làng vùng sâu.

Sau 34 năm phục vụ trong quân đội, năm 1994 CCB Rơ Chăm Chah (thường gọi Ama Đun) về nghỉ chế độ ở buôn M’năng Dơng (xã Yang Mao, huyện Krông Bông). Hoàn cảnh gia đình Ama Đun lúc đó vô cùng khó khăn. Một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hai ngôi nhà cùng tài sản dành dụm sau bao nhiêu năm. Với tinh thần và nghị lực của người lính, CCB Ama Đun động viên vợ con vượt khó, chăm chỉ lao động sản xuất để gây dựng lại từ đầu.

Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, gia đình ông đã xây dựng lại nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều máy móc, tiện nghi phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Giờ đây tuy tuổi đã cao nhưng CCB Ama Đun hằng ngày vẫn cùng vợ và các con trồng trọt, chăn nuôi. Công việc chính của ông là chăn dắt 8 con bò, 2 con trâu và 3 con dê. Ngoài ra ông còn phụ giúp vợ, con dâu, con rể làm hơn 2 ha rẫy trồng các loại cây như cà phê, ngô, lúa, gần 1 ha rừng bạch đàn. Thu nhập của gia đình Ama Đun đạt hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, với vai trò là người có uy tín trong buôn, CCB Ama Đun còn tích cực tham gia công tác xã hội; vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chăm chỉ lao động, giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống. Gia đình ông còn lưu giữ được những bộ trống, chiêng, ché, ghế kpal… truyền thống rất quý. Vừa qua CCB Ama Đun được Huyện ủy Krông Bông tuyên dương là điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và được Hội CCB huyện tặng danh hiệu “CCB gương mẫu” 5 năm liền.

Ông Ama Nô đang chăm sóc vườn cây.
Ông Ama Nô đang chăm sóc vườn cây.

CCB Ra H’lan Y Nhúc, dân tộc J’rai (thường gọi Ama Nô) ở buôn Cư Đrăm (xã Cư Đrăm) năm nay đã bước sang tuổi 89. Dù tuổi cao sức yếu nhưng người cựu binh Trung đoàn 120 Tây Nguyên đã hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ vẫn tích cực tham gia lao động sản xuất. Hằng ngày, Ama Nô vẫn đi chăn giữ 10 con bò, 2 con trâu và thường xuyên cùng với gia đình ra nương rẫy chăm sóc gần 2 ha cà phê, hơn 1 ha ngô, lúa, sắn… Người đảng viên 60 năm tuổi Đảng ấy luôn tham gia sinh hoạt Chi bộ đều đặn và là tấm gương sáng cho các đảng viên trẻ ở địa phương. Ông tâm sự: “Giờ tuy tuổi đã cao nhưng lao động đã thành thói quen rồi, không làm ngồi không thấy khó chịu, mệt mỏi hơn. Hơn nữa mình cố gắng làm việc để làm gương cho con cháu”.

Ông Sùng Seo Dì chăm sóc vườn hồ tiêu của gia đình.
Ông Sùng Seo Dì chăm sóc vườn hồ tiêu của gia đình.

Ở thôn Ea Hăn (xã Cư Đrăm) có hai CCB người dân tộc Hmông được người dân ở đây vô cùng cảm phục: CCB Giàng Seo Sình và CCB Giàng Seo Dì. Hai ông đều là thương binh nặng bậc 2/4, bị mất một chân và có nhiều vết thương trên người. Ghi nhớ lời Bác dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế” nên tuy tuổi đã cao nhưng hằng ngày hai ông vẫn chăm chỉ tham gia lao động, sản xuất cùng với gia đình.

CCB Giàng Seo Sình có nghề làm mộc, thường xuyên đi làm nhà, đóng đồ gỗ tại các thôn đồng bào Hmông trong xã. Ông còn tích cực tham gia công tác xã hội với vai trò là Trưởng Ban công tác Mặt trận của thôn Ea Hăn.

CCB, thương binh Giàng Seo Dì năm nay đã gần 70 tuổi, hằng ngày vẫn cùng vợ, con lên nương chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu, lúa và chăn nuôi trâu. Ông cho biết: “Mình vẫn còn sức khỏe nên phụ giúp con cháu những việc có thể làm được. Số tiền trợ cấp thương binh của mình cũng đủ trang trải cho sinh hoạt của hai ông bà. Tuy nhiên con cháu còn khó khăn nên làm được gì để giúp đỡ chúng nó thì cứ phải cố gắng”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.