Chuyển biến trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở Krông Búk
Với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, công tác phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) ở huyện Krông Búk đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức, thái độ và hành vi của người dân.
Để giảm thiểu các vụ BLGĐ, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện đã cụ thể hóa việc tuyên truyền những nội dung của Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ và Chăm sóc, giáo dục trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Hình sự thông qua các hội thi như: “Gia đình hạnh phúc”, “Hòa giải viên giỏi”... Đặc biệt, trong “Tháng hành động vì trẻ em”, nhân dịp kỷ niệm “Ngày Gia đình Việt Nam”, “Ngày Quốc tế hạnh phúc”, UBND huyện đều tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu, hội diễn văn nghệ, nói chuyện chuyên đề nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và thay đổi hành vi, nhận thức của nam giới trong việc xây dựng gia đình bình đẳng.
Cán bộ Hội LHPN xã Ea Ngai tuyên truyền, vận động các gia đình tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. |
Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện còn chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của 39 mô hình “5 không 3 sạch”, 5 mô hình “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, 13 mô hình “Gia đình hạnh phúc”, 7 mô hình “Gia đình chuẩn mực”... Từ các mô hình này, người dân không còn e ngại, che giấu hành vi BLGĐ như trước. Đa số nạn nhân đều mạnh dạn viết đơn lên chính quyền địa phương khi có mâu thuẫn mà không tự giải quyết được.
Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Búk
|
Điển hình như Câu lạc bộ (CLB) “Người cha tốt của các con” ở thôn Độc Lập, xã Chư Kbô. Hoạt động của mô hình tập trung vào việc tuyên truyền phòng, chống BLGĐ; cách ứng xử với các thành viên trong gia đình; kỹ năng để trở thành người chồng, người cha tốt. Ngoài ra các thành viên tham gia CLB còn được cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe, giáo dục trẻ em... Sau gần 6 năm đi vào hoạt động, đến nay CLB “Người cha tốt của con” đã thu hút 75 thành viên tham gia sinh hoạt và trở thành nơi chia sẻ tâm tư, giải đáp những khúc mắc của các gia đình. Anh Phạm Văn Dân, thành viên của CLB cho biết, trước đây, anh luôn nghĩ việc nuôi dạy con cái, chăm lo nhà cửa là bổn phận của phụ nữ. Từ khi tham gia CLB, được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các chị em phụ nữ, anh đã biết chia sẻ, giúp vợ những công việc nhà, dạy dỗ con cái. Nhờ vậy mà anh Dân có cơ hội hiểu các con của mình hơn...
Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện còn phối hợp với các đơn vị trực tiếp đến các gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, hoặc có nguy cơ dẫn đến BLGĐ để hòa giải, giúp đỡ những phụ nữ là nạn nhân của BLGĐ vượt qua khó khăn, sóng gió để giữ gìn hạnh phúc. Đã có không ít các cặp vợ chồng trong tình trạng chuẩn bị ly hôn, song nhờ hòa giải thành công nên cuộc sống gia đình đã êm ấm trở lại. Chị N.T.Ng. ở thôn Kty 2, xã Chư Kbô chia sẻ: “Trước đây, do kinh tế gia đình khó khăn nên mỗi khi có rượu vào là chồng tôi lại đập phá hết vật dụng trong gia đình và “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” khiến tôi luôn mất tự tin, mặc cảm. Năm 2017, nhờ được chính quyền địa phương đến khuyên giải giúp chồng tôi nhận thức ra vấn đề và thay đổi hành vi. Từ đó, các mâu thuẫn trong gia đình cũng được giải quyết, vợ chồng sống hạnh phúc hơn”.
Cán bộ Hội LHPN xã Ea Ngai chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc cho các hội viên. |
Theo ông Lê Hữu Phước, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên thời gian qua, tình trạng BLGĐ trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể về số lượng và mức độ vi phạm. Phần lớn người dân đã thay đổi nhận thức và hành động để xây dựng gia đình hạnh phúc, tập trung phát triển kinh tế và nuôi dạy con cái.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc