Multimedia Đọc Báo in

Có chút gì rất Huế...

14:49, 06/02/2019

Trong bài Đất nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng), nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết: “Họ truyền giọng điệu cho con tập nói/ Họ gánh cả tên xã, tên làng trong những chuyến di dân”. Và có lẽ với tâm thế ấy, khi người dân huyện Phú Lộc (tỉnh Bình Trị Thiên, nay thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế) hơn 40 năm trước di cư vào vùng đất Đắk Lắk này đã gắn tên quê hương xứ sở của mình trên vùng quê mới để hình thành nên xã Phú Lộc (huyện Krông Năng) ngày nay.

Dẫn chúng tôi đi trên con đập Thanh Niên, ông Trần Châu (thôn Lộc Tài, xã Phú Lộc) - một trong những dân cư đầu tiên nơi vùng đất này kể lại: “Đây là con đập do lực lượng thanh niên xung phong đi tiền trạm trước khi đưa dân vào định cư làm đấy. Chỉ có đôi bàn tay và dụng cụ thô sơ, chứ làm gì có máy móc; cứ dùng cuốc, thuổng, quang gánh để xúc từng xẻng đất mà làm nên. Thời ấy nhiều khó khăn lắm...”.

Trong câu chuyện về miền quá vãng, hình ảnh của những ngày đầu lập nghiệp trên quê hương mới lại trở nên rõ nét. Sau chuyến hành trình trên những chuyến xe chạy rậm rịch vài ngày mới đến, gần 500 hộ dân thuộc các xã Vinh Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hưng, Vinh Hiền, Vinh Giang - những người đầu tiên đến xây dựng kinh tế nơi đây ngay lập tức đã phải đối diện với sự khốc liệt của mùa khô cao nguyên năm 1977. “Nắng nóng, hanh khô, rừng khộp cháy trơ trụi lá, ai nấy đều hốc hác, nhiều người e ngại sợ rằng không thể trụ lại nơi đây. Đó là những ngày tháng gian nan và đầy thử thách...”, ông Trần Châu bồi hồi nhớ lại.

Khi ấy trường lớp tạm bợ, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng không có, hàng hóa khan hiếm, đói rét, bệnh tật diễn ra triền miên, Fulro đe dọa quấy phá. Mặt khác, do diện tích canh tác còn ít, kỹ thuật đơn giản, người dân chưa quen với vùng đất mới nên năng suất, sản lượng thu hoạch không cao, Phú Lộc luôn phải nhờ cấp trên cứu trợ. Trước tình trạng ấy, một số người không bám trụ nổi đã rời bỏ địa phương...

Ông Trần Châu giới thiệu về đập Thanh Niên do lực lượng thanh niên xung phong xây dựng từ năm 1977.
Ông Trần Châu giới thiệu về đập Thanh Niên do lực lượng thanh niên xung phong xây dựng từ năm 1977.

Trải qua bao thử thách, bằng sự bền gan, ý chí khắc phục mọi gian khổ, đến nay bà con không chỉ trồng lúa, ngô, khoai, sắn như trước kia nữa, mà đã chuyển đổi các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, cao su, sầu riêng, mắc ca... Kinh tế ổn định, sản xuất phát triển tạo nên bộ mặt nông thôn Phú Lộc không ngừng thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Nhiều người lúc trước bỏ đi nay lại tìm về, người ngoài quê thấy cuộc sống của người đi xây dựng kinh tế mới phát triển sung túc cũng tìm vào định cư bởi “đất lành chim đậu”.

“Rất mừng là bây giờ đời sống của bà con mình đều khá giả cả, nhiều người có nhà khang trang, xe ô tô, phương tiện sản xuất hiện đại, thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng là chuyện bình thường... Hội đồng hương các xã cũng được thành lập và hoạt động có hiệu quả, gắn kết thêm tình quê hương làng xóm; đồng thời xây dựng được quỹ khuyến học để khích lệ tinh thần học tập trong con em xứ Huế của mình...”, ông Trần Châu vui vẻ chia sẻ.

Nói về những đóng góp của cộng đồng người Huế trên quê hương mới này, ông Trần Văn Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc nhận định: “Xã Phú Lộc có 17 thôn và có tới 80% dân cư là người Huế. Bản tính của người Huế rất cần cù, chịu thương chịu khó, đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, sẵn sàng đóng góp tài vật, công sức để xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới”. Cũng nhờ sự ủng hộ, đóng góp tích cực của nhân dân, năm 2017 Phú Lộc đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng luôn được quan tâm, đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục đào tạo, y tế ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của người dân. Công tác xóa đói, giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả, từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với các hình thức hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế của các đoàn thể đã tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; giá trị sản xuất bình quân đầu người năm 2018 đạt 37 triệu đồng/năm...

Nhìn những vườn cà phê, hồ tiêu trồng xen cây ăn trái xanh mướt; thấp thoáng là các hàng cau vươn mình cao vút cùng những ngôi nhà vườn rợp mát bóng cây của đặc trưng xứ Huế... để ngỡ ngàng về sự dung hòa, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của mình trên vùng quê này. Sau hơn 40 năm lập nghiệp trên cao nguyên, từ nỗi nhớ quê hương cùng tình yêu người, yêu vùng đất mới, những người con xứ Huế đã xây dựng, gắn bó và tạo nên một Phú Lộc với những nét rất Huế trên cao nguyên...

Anh Thủy

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.