Multimedia Đọc Báo in

Cư San mùa xuân về

09:22, 02/02/2019

Những ngày giáp Tết Kỷ Hợi, chúng tôi về với Cư San (huyện M’Đrắk) và cảm nhận được không khí đón xuân đang tràn ngập trong từng gia đình. Hơn 10 năm hình thành và phát triển, Cư San nay đang dần khoác lên màu áo mới, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào H’Mông và Dao ở đây giờ đã ấm no.

Những mái ấm mùa xuân

Trong căn nhà còn thơm mùi gạch mới, vợ chồng anh Ma Seo Vành ở thôn 7, xã Cư San đón chúng tôi với niềm vui sướng, anh kể: “Trước đây kinh tế gia đình khó khăn lại đông con nên cả nhà sống trong ngôi nhà dột nát chật chội, nay được Nhà nước hỗ trợ tiền, họ hàng và người trong thôn góp công giúp tôi xây ngôi nhà mới khang trang hơn. Từ Tết này về sau không còn lo mưa dột nữa”. Vợ chồng anh Ma Seo Vành chỉ sống bằng nghề làm thuê, ai thuê làm gì anh chị cũng làm nhưng thu nhập hằng tháng cũng chỉ đủ lo cái ăn cho cả gia đình, không dám nghĩ tới chuyện làm nhà. Tưởng chừng suốt đời sống trong nhà dột nát, nên khi biết tin được chính quyền địa phương hỗ trợ xây nhà theo Quyết định 167, anh Vành vô cùng hạnh phúc. 

Cùng chung niềm vui như anh Vành, bà Ma Thị Mỷ đang tất bật dọn dẹp ngôi nhà vừa mới được hoàn thiện. Chồng mất sớm một mình bà Mỷ nuôi con ăn học, sống tạm bợ trong căn nhà xiêu vẹo, cuộc sống của hai mẹ con dựa vào tiền làm thuê ít ỏi nên bà Mỷ không dám nghĩ tới việc sẽ được ở trong căn nhà mới. Khi xã Cư San triển khai thực hiện Quyết định 167, bà mới có cơ hội làm nhà mới. Ngôi nhà mới trị giá 35 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 25 triệu đồng, phần còn lại gia đình, hàng xóm giúp vật tư và công xây dựng. Từ đây bà sẽ không còn phải lo lắng chuyện mưa nắng nữa. Bà Mỷ phấn khởi: “Năm nay là cái Tết to nhất của hai mẹ con tôi đó. Tôi vui và biết ơn Nhà nước lắm vì đã hỗ trợ cho tôi có được ngôi nhà chắc chắn để an tâm nuôi con khôn lớn”.

Mùa xuân này, không chỉ gia đình anh Ma Seo Vành, bà Ma Thị Mỷ được đón Tết trong ngôi nhà khang trang, sạch đẹp mà còn nhiều hộ nghèo ở Cư San nhờ có Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xây được ngôi nhà mới. “Những năm qua cùng với nguồn vốn của tỉnh và huyện, xã Cư San đã xây dựng được 170 ngôi nhà theo chương trình 167 của Chính phủ, đây thực sự là nguồn động viên lớn lao cả vật chất và tinh thần giúp cho những người nghèo có một cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Võ Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Cư San cho biết.

Niềm vui của gia đình anh Ma Seo Vành ở thôn 7, xã Cư San trong căn nhà mới.
Niềm vui của gia đình anh Ma Seo Vành ở thôn 7, xã Cư San trong căn nhà mới.

Thôn bản hân hoan đón Tết

Thật khó có thể hình dung được, cách đây hơn 10 năm, Cư San chỉ có vài hộ gia đình sinh sống thưa thớt, nay xen giữa màu xanh của núi rừng trùng điệp, nương rẫy tốt tươi là dáng dấp của một “phố núi” đang dần xuất hiện, với dân số gần 8.000 người phân bố ở 12 thôn, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 16 triệu đồng/năm. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, có nhiều mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm từ 4-5%. Những công trình từ trường học, trạm y tế đến những con đường bê tông được đầu tư khang trang, điện sáng lung linh thắp sáng những ngôi nhà mới. Tất cả tạo nên một diện mạo mới cho Cư San, nên các gia đình ở đây đón Tết năm nay vui hơn nhiều.

 
“Từ khi người H’Mông đón Tết Nguyên đán cùng người Kinh thì Tết vui hơn nhiều, vì vừa tiết kiệm về vật chất cũng như có thời gian để tập trung cho sản xuất. Bên chén rượu ngô thơm nồng của ngày Tết niềm vui no ấm càng được nhân lên như bếp lửa hồng luôn cháy đỏ trong mỗi căn nhà của người H’Mông ở đây”
 
Anh MA SEO VÀNH

Cách trung tâm xã 15km là thôn Sông Chò, những ngày giáp Tết, bên ngôi nhà sàn truyền thống của người Dao, các chị em miệt mài thêu, mong sớm có bộ quần áo mới để chồng, con kịp mặc đón Tết. Còn đàn ông lo dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để có một cái Tết thật đầy đủ và tươm tất. Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Triệu Văn Lưu, anh hồ hởi khoe năm nay ăn Tết to hơn, có thịt lợn, gà và cả bánh kẹo vì gia đình năm nay đã thoát nghèo.

 Cũng như với gia đình anh Lưu, nhiều gia đình ở Sông Chò đã thoát nghèo nhờ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng, nên mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng. Anh Triệu Văn Sỷ, Trưởng thôn Sông Chò cho biết cứ sau mỗi năm, người Dao lại ăn Tết to hơn, vui hơn, vì thế mọi người trong thôn sẽ dành cả dịp Tết để vui chơi, đến nhà nhau thăm hỏi chúc Tết. Đến ngày mồng 6 Tết, cả thôn mới bắt đầu “khai quang” tức buổi đi làm đầu tiên, ước mong mọi công việc làm ăn sẽ thuận lợi, phát đạt trong cả năm.

 “Để nhân dân trong xã đón xuân tươi vui, ấm áp. Năm nào xã cũng tổ chức nhiều hoạt động vui xuân đón Tết cho bà con như: chương trình văn nghệ mang đậm bản sắc các dân tộc phía Bắc; giao lưu bóng chuyền; các trò chơi dân gian truyền thống như: đánh cù, đẩy gậy, ném pao… Ngoài ra, các đối tượng chính sách, hộ nghèo còn được nhận quà Tết của huyện, xã và các mạnh thường quân hỗ trợ bà con ăn Tết”, ông Võ Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Cư San cho hay.

Ánh nắng ấm áp cùng hơi ấm mùa xuân đã len lỏi đến từng ngôi nhà. Một mùa xuân mới đang về, trên khắp nẻo đường, những cô gái chàng trai người H’Mông, Dao đang rạng rỡ niềm vui và đầy ắp hy vọng về một năm mới với nhiều đổi thay trên quê hương mình.

Thúy An

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.