Multimedia Đọc Báo in

Krông Búk gặp khó trong thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa

11:05, 22/02/2019

Mặc dù đã tích cực huy động nhiều nguồn lực, song do khó khăn về nguồn vốn và quỹ đất nên nhiều địa phương trên địa bàn huyện Krông Búk rất khó hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa theo đúng lộ trình xây dựng nông thôn mới  (NTM) đã đề ra.

Điển hình như ở xã Ea Ngai, đến nay đã đạt 15/19 tiêu chí NTM, còn 4 tiêu chí chưa đạt là: trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo và tổ chức sản xuất. Trong đó, tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa là rất khó hoàn thành vì toàn xã có đến 9/9 thôn “trắng” nhà văn hóa, hội trường thôn do chưa tìm được quỹ đất để xây dựng. Bên cạnh quỹ đất eo hẹp, xã Ea Ngai còn gặp khó khăn về nguồn vốn. Theo ông Nguyễn Trọng Lâm, Chủ tịch UBND xã, kinh phí xây dựng một nhà văn hóa đạt chuẩn trên 200 triệu đồng, trong khi đó, do mức sống của người dân địa phương còn thấp nên việc huy động nguồn lực trong dân cũng chỉ được phần nào, nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân càng không dễ thực hiện do không có công ty, doanh nghiệp nào đứng chân trên địa bàn.

1
Vì chưa xây dựng được nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng nên Chi bộ thôn 2 (xã Ea Ngai, huyện Krông Búk) phải nhờ nhà dân để sinh hoạt định kỳ.
 
“Địa điểm xây dựng nhà văn hóa phải nằm ở khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư, nhưng những nơi này lại không còn quỹ đất. Nếu thu hồi thêm diện tích đất ở của người dân thì nảy sinh việc đền bù hoặc hoán đổi đất cho dân, đẩy kinh phí xây dựng nhà văn hóa tăng cao”.
 
Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Krông Búk Lê Hữu Phước

Còn tại xã Chư Kbô, mặc dù đã cán đích NTM năm 2018 và đã có 20/21 thôn, buôn xây dựng hội trường hoặc nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, phần lớn các trang thiết bị để phục vụ sinh hoạt văn hóa như: bàn ghế, tủ sách, loa đài… còn thiếu khá nhiều và chưa đồng bộ.  Đơn cử như nhà văn hóa thôn Kty 5, qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng. Ông Trần Ngọc Chung, Trưởng thôn Kty 5 cho biết, toàn thôn có 107 hộ với hơn 414 khẩu nhưng diện tích sử dụng của nhà văn hóa thôn chỉ có 35 m2 nên chỉ đủ chỗ ngồi cho khoảng 50 người. Điều này ít nhiều gây trở ngại đến công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Không chỉ ở xã Chư Kbô hay Ea Ngai mà các địa phương khác trên địa bàn huyện Krông Búk như: Cư Né, Ea Sin, Tân Lập... đều gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa.

Nhà văn hóa thôn Kty 5 (xã Chư Kbô, huyện Krông Búk) đã xuống cấp nghiêm trọng.
Nhà văn hóa thôn Kty 5 (xã Chư Kbô, huyện Krông Búk) đã xuống cấp nghiêm trọng.

Theo ông Lê Hữu Phước, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Krông Búk, để từng bước tháo gỡ khó khăn này, huyện đang xem xét tìm kiếm quỹ đất và tăng cường công tác xã hội hóa kết hợp với nguồn vốn xây dựng NTM để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các nhà văn hóa... Tuy nhiên, ông Lê Hữu Phước cũng cho rằng, để các xã có thể sớm hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa và về đích NTM theo đúng lộ trình đề ra, ngoài sự nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, huyện rất cần nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền và người dân các xã vùng sâu, vùng xa chủ động nguồn lực để xây dựng NTM hiệu quả, bền vững.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.