Multimedia Đọc Báo in

Bảo hiểm xã hội tỉnh: Nỗ lực thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT

09:51, 26/03/2019

Suốt 24 năm qua (1995-2019), Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã nỗ lực vượt khó, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ BHXH Việt Nam giao, góp phần ổn định, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, BHXH tỉnh đã tuyển chọn và bố trí cán bộ có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm và am hiểu chế độ, chính sách; tích cực thực hiện cải cách hành chính trong tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế “một cửa”, giảm bớt các thủ tục giấy tờ không cần thiết nhưng vẫn đảm bảo cơ sở pháp lý, giải quyết kịp thời, đúng chế độ, rút ngắn thời gian theo quy định. Nhờ vậy, việc thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) được thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần ổn định đời sống cho người lao động.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, BHXH tỉnh đã giải quyết cho 2.165 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng, nâng tổng số người được hưởng các chế độ BHXH, trợ cấp hằng tháng lên gần 50.000 người; giải quyết cho 11.293 lượt người hưởng trợ cấp một lần, 7.269 lượt người hưởng chế độ ốm đau, 7.272 lượt người hưởng chế độ thai sản và 2.358 lượt người hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe. BHXH tỉnh cũng đã phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 5.945 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; 167 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.

Cán bộ BHXH tỉnh tuyên truyền cho cán bộ phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện.
Cán bộ BHXH tỉnh tuyên truyền cho cán bộ phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện.

Những năm gần đây, số người tham gia BHYT ngày càng tăng (năm 2003 mới chỉ có 193.408 người tham gia BHYT, đến năm 2018 đã có trên 1.613 nghìn người tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ 86,8% dân số toàn tỉnh). Để thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh (KCB) cho người có thẻ BHYT, ngành BHXH đã phối hợp với ngành Y tế cải tiến khâu thủ tục tiếp đón bệnh nhân, nâng cao chất lượng KCB, nhiều dịch vụ, kỹ thuật cao được triển khai, quyền lợi người bệnh ngày càng được mở rộng. Bên cạnh đó, nhờ quy định KCB thông tuyến huyện nên khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân dễ dàng hơn. Công tác KCB BHYT cho những người thuộc diện chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo… được quan tâm. Hằng năm có khoảng 700 nghìn người thuộc diện chính sách được cấp thẻ BHYT, được hưởng quyền lợi KCB theo quy định. Số lượt người KCB BHYT tăng dần qua các năm, năm 2018 có 2.863.669 lượt người KCB BHYT, tần suất 1,8 lần/thẻ/năm với tổng chi phí 1.322,5 tỷ đồng.

Mở rộng đối tượng, tăng nhanh số người tham gia BHXH, BHYT, tiến tới thực hiện BHXH cho mọi người lao động và thực hiện BHYT toàn dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được BHXH tỉnh chú trọng thực hiện trong những năm qua.

Với sự cố gắng và các biện pháp cụ thể, phù hợp, BHXH tỉnh đã góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức của hàng trăm nghìn lao động và chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ BHXH, BHYT, tăng nhanh số người tham gia. Nhờ vậy, từ 37.462 người tham gia BHXH bắt buộc năm 1995, đến cuối năm 2018 đã lên đến 106.341 người; số đối tượng tham gia BHYT tự nguyện từ trên 193 nghìn người năm 2002, đến cuối năm 2018 là 1.613.352 người, chiếm tỷ lệ 86,8% dân số toàn tỉnh.

Trong thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tập trung phát triển đối tượng tham gia, nhất là đối tượng BHYT hộ gia đình, học sinh, sinh viên; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình; phối hợp với cơ quan Bưu điện tăng cường phát triển BHXH tự nguyện bằng hình thức hội nghị khách hàng. Đồng thời, giải quyết và chi trả kịp thời, đầy đủ, đúng quy định các chế độ, chính sách cho người lao động theo quy định của Luật BHXH, Luật BHYT; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa các hành vi gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý; đẩy mạnh hình thức tuyên truyền đối thoại trực tiếp với người sử dụng lao động và người lao động; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng và chính quyền địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách BHXH, BHYT…

Lê Xuân Khánh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.