"Điểm tựa" của buôn làng
09:35, 18/03/2019
Dù đã bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng những già làng ở xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc) vẫn luôn là "điểm tựa" tinh thần vững chắc trong đời sống của bà con dân tộc thiểu số nơi đây.
Ông Pá Chiên (buôn Ra Lu, xã Ea Hiu) năm nay đã 80 tuổi, là người có uy tín trong đồng bào Bru Vân Kiều ở xã. Đối với người dân nơi đây, Pá Chiên như người cha, người ông trong gia đình. Bất kể việc lớn nhỏ gì, hay những mâu thuẫn, xích mích nhau họ đều nhờ đến già Pá Chiên. Đáp lại sự tin tưởng của bà con nên bất kể thời gian, hoàn cảnh nào, chỉ cần trong buôn xảy ra sự vụ, già Pá Chiên sẵn sàng có mặt, kiên trì hóa giải mâu thuẫn.
Nhiều vụ việc phức tạp trong nội bộ buôn hoặc giữa buôn Ra Lu với các buôn khác đều được già Pá Chiên hòa giải thành công bằng khả năng thuyết phục thấu tình đạt lý, góp phần giữ gìn tổ ấm cho nhiều gia đình, bảo đảm tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Già Pá Chiên chia sẻ: “Làm công tác hòa giải mình phải có cái tâm, sao cho hài hòa lợi ích của các bên. Bên cạnh tuân thủ theo chính sách, pháp luật của Nhà nước, mình còn phải vận dụng hương ước, quy ước của làng để giải thích thì dân mới nghe”.
Già làng Pá Chiên (buôn Ra Lu, xã Ea Hiu) thường xuyên phụ giúp các con làm nương rẫy. |
Đất đai ở Ea Hiu khô cằn, diện tích canh tác ít nên đời sống của đa số đồng bào nơi đây còn nhiều khó khăn. Đã vậy, một số thanh niên lại lười biếng, suốt ngày chỉ biết la cà uống rượu, gây gổ đánh nhau... khiến già Pá Chiên buồn lắm. Khi được biết có chính sách hỗ trợ thanh niên đi làm công nhân cho các công ty ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương..., già Pá Chiên liền vận động thanh niên buôn Ra Lu đăng ký đi làm. Nghe theo lời già, nhiều gia đình đã có thêm thu nhập ổn định, thoát được cảnh nghèo khổ, có tiền cho con cái đến trường, xây được nhà khang trang hơn. “Có được như vậy, một phần cũng nhờ vào sự nhiệt tình của già Pá Chiên”, chị Niang Bích, cán bộ văn hóa xã Ea Hiu cho biết.
Ông Pá Vinh ở buôn Tà Cỡng cũng là một trong những già làng uy tín trong cộng đồng người Bru Vân Kiều, luôn được người dân nơi đây kính trọng. Ông là một trong số ít người vẫn còn biết nhiều về phong tục tập quán của dân tộc Bru Vân Kiều. Ông cũng là một nghệ nhân đánh chiêng xuất sắc, góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc Bru Vân Kiều.
Trong buôn, hễ nhà nào có việc như cúng nhà mới, rước bàn thờ tổ tiên, tổ chức cưới hỏi cho con... đều tìm đến ông Pá Vinh để tư vấn. Thông qua đó, ông vừa hướng dẫn bà con duy trì những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Bru Vân Kiều, vừa vận động người dân duy trì các phong tục nhưng phải tiết kiệm, không lãng phí, đặc biệt là xóa dần các hủ tục lạc hậu như: phạt vạ, thách cưới, mổ heo mổ bò rình rang...
“Thấy buôn làng hòa thuận, giàu mạnh lên, tụi trẻ vẫn yêu văn hóa truyền thống của dân tộc, lòng già cũng vui lắm chứ”- già Pá Vinh phấn khởi nói. Già bảo, nói một lần dân làng chưa nghe, già nói nhiều lần, mà lần nào cũng nhấn mạnh "phải có làm mới có ăn, có học mới có hiểu biết"; làm gì cũng phải kiên trì, nhẫn nại và không ngừng phấn đấu. Không chỉ nói suông, để dân nghe, dân tin, già vận động chính con cháu của mình phải noi gương trong cuộc sống hằng ngày lẫn phát triển kinh tế gia đình. Buôn Tà Cỡng nay đã không còn nhà tạm, nhà dột nát, không còn tình trạng trộm cắp như trước đây. Người dân đã có việc làm ổn định, đời sống tinh thần và vật chất được nâng cao... Thành quả ấy có phần đóng góp lớn của già Pá Vinh.
Thúy An
Ý kiến bạn đọc