Multimedia Đọc Báo in

Tiếp sức cho phụ nữ nghèo vùng biên

09:12, 13/03/2019

Từ nguồn quỹ vận động nhắn tin ủng hộ phụ nữ, trẻ em vùng biên cương đợt 1, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã trao tặng bò sinh sản, mỗi con trị giá 10 triệu đồng cho 10 hội viên, phụ nữ nghèo tại xã Ea Bung (huyện Ea Súp).

Đây như một món quà ý nghĩa, thiết thực nhằm tiếp sức, tạo điều kiện để chị em nơi đây vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đã gần 2 tháng kể từ ngày được tặng bò nhưng đến giờ chị Trần Thị Sin (thôn 10) vẫn chưa hết vui mừng, bởi đối với gia đình chị đó là cả một gia tài lớn. Gia đình chị Sin vốn là hộ nghèo, do không có đất sản xuất, một mình chị phải bươn chải làm đủ nghề để nuôi 4 người con và 2 đứa cháu. Do thu nhập chỉ trông vào tiền làm thuê khá bấp bênh, nên cuộc sống của gia đình chị rất khó khăn. Được tặng bò, chị như có thêm động lực để tăng gia sản xuất. Bên cạnh việc làm chuồng và cắt cử người đi kiếm thức ăn hằng ngày cho bò, trồng thêm cỏ, chị còn chú ý vệ sinh chuồng trại để bò lớn nhanh, tránh dịch bệnh. Chị Sin xúc động: “Khi biết mình là 1 trong 10 hộ trên địa bàn xã được hỗ trợ bò, cả nhà tôi vui lắm. Nhờ được tặng bò sinh sản mà gia đình tôi có nguồn vốn để phát triển sản xuất”. Mới đây, chị Sin còn mua thêm 80 con gà về nuôi để mở rộng quy mô chăn nuôi, tạo thêm nguồn thu cho gia đình.

Chị Trần Thị Sin (thôn 10) chăm sóc con bò được hỗ trợ.
Chị Trần Thị Sin (thôn 10) chăm sóc con bò được hỗ trợ.

Cùng chung niềm vui với chị Sin, gia đình bà Đặng Thị Mai (thôn 7) cũng được tặng bò sinh sản từ chương trình. Dẫn chúng tôi ra thăm chuồng bò, bà Mai phấn khởi: “Được ăn uống đầy đủ nên so với ngày mới nhận về thì nay nó trông béo tốt hơn nhiều rồi. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc tốt để bò sinh sản, phát triển đàn, có thêm sinh kế phát triển kinh tế gia đình”. Được biết, bà Mai thuộc diện gia đình chính sách, chồng bà là thương binh nhưng đã mất từ 5 năm trước. Đất đai sản xuất ít lại cằn cỗi nên toàn bộ chi phí sinh hoạt chỉ biết trông chờ vào tiền trợ cấp hằng tháng. Hôm được tặng bò, bà đã rất xúc động và bày tỏ lòng cảm ơn, sự quan tâm của cộng đồng đối với những phụ nữ nghèo như bà.

Để chương trình triển khai có hiệu quả, các cơ sở Hội đã tổ chức họp bình xét công khai, lựa chọn hộ gia đình phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nhưng chịu khó làm ăn, có ý chí vươn lên và chưa nhận được một khoản hỗ trợ lớn nào để trao bò. Sau khi bàn giao, các hộ đã được hướng dẫn cách chăm sóc và phòng bệnh cho bò. Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ và Hội Phụ nữ xã cũng thường xuyên cử người theo dõi, giám sát các hộ trong suốt quá trình nuôi để bảo đảm đàn bò phát triển tốt.

Bà Đặng Thị Mai (thôn 7) chăm sóc con bò được hỗ trợ.
Bà Đặng Thị Mai (thôn 7) chăm sóc con bò được hỗ trợ.

Qua gần 2 tháng nhận bò, đến nay các hộ được tặng bò đều đã đầu tư làm chuồng chắc chắn, trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn và chăm sóc vật nuôi đúng kỹ thuật… nhờ vậy mà đàn bò phát triển khỏe mạnh.

Theo chị Hoàng Hải Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Bung, toàn xã hiện có 811 hội viên phụ nữ, trong đó 76 hội viên nghèo là chủ hộ, đa phần kinh tế đều dựa vào việc trồng trọt, chăn nuôi nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Việc tặng bò sinh sản cho chị em phụ nữ nghèo trên địa bàn xã đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Xã Ea Bung là 1 trong 14 xã biên giới trên cả nước được hỗ trợ mô hình sinh kế từ nguồn quỹ phát động nhắn tin ủng hộ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đợt 1 (giai đoạn 2018-2020) do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp triển khai.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.