Multimedia Đọc Báo in

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường

08:57, 24/04/2019

Vừa qua, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh tổ chức “Chương trình tư vấn pháp luật cho học sinh về phòng, chống bạo lực học đường” tại Trường THPT Lê Hữu Trác (huyện Cư M’gar).

Với cách tương tác sinh động, sát thực, cùng sự tham gia của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam  2017 H’Hen Niê, chương trình đã thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, giáo viên.

Để các em học sinh có cái nhìn rõ hơn về bạo lực học đường, chương trình đã mở màn bằng phiên tòa giả định “Chuyên đề bạo lực học đường”. Cùng các thành viên, phiên tòa trở nên thú vị hơn khi có sự tham gia của Hoa hậu H’Hen Niê trong vai diễn Hội thẩm nhân dân.

Phiên tòa đề cập đến một trong những nguyên nhân rất phổ biến dẫn đến tình trạng bạo lực học đường là mâu thuẫn trên Facebook. Để giải quyết mâu thuẫn, Công và Minh hẹn nhau nói chuyện. Trước khi đi, Minh kể lại toàn bộ sự việc cho bạn là Sơn biết và rủ đi cùng. Cho rằng, Công láo với Minh, Sơn đã dùng cây sắt chuẩn bị sẵn đánh hai cái lên đầu bạn.

Sự việc xảy ra đã gây nhiều hệ lụy: Công bị thương tật tỷ lệ 10%; Sơn phạm tội danh “Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác”, bị phạt 3 năm án treo; gia đình Sơn phải bồi thường chi phí chữa trị cho Công 84 triệu đồng; việc học tập của các bạn trẻ ít nhiều bị ảnh hưởng…

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’ Hen Niê giao lưu cùng học sinh Trường THPT Lê Hữu Trác.
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’ Hen Niê giao lưu cùng học sinh Trường THPT Lê Hữu Trác.
 

“Qua chương trình, chúng tôi tin tưởng rằng các em sẽ nhận thức tốt hơn về phòng, chống bạo lực học đường; được trang bị kiến thức pháp luật và kỹ năng xử lý tình huống cần thiết để bảo vệ bản thân, gia đình và bạn bè khỏi nguy cơ bạo lực, xâm hại”.

 
 
Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa

Bên cạnh thuật lại toàn bộ sự việc, phiên tòa còn thực hiện theo hình thức tương tác. Theo đó, học sinh đã cùng tham gia trao đổi, chia sẻ về cách giải quyết vấn đề của các nhân vật trong phiên tòa. Nhờ đó, các em đã rút ra cho mình nhiều bài học liên quan việc sử dụng mạng xã hội, cách xử lý tình huống khi mâu thuẫn, hậu quả khôn lường của bạo lực học đường…

Chương trình trở nên rôm rả hơn với việc tư vấn trực tiếp để các em thoải mái chia sẻ băn khoăn, thắc mắc, những câu chuyện gặp phải nhưng chưa biết cách giải quyết. Những cánh tay lần lượt giơ lên với nhiều điều muốn hỏi: Nếu phát hiện bạn bị bạo lực, xâm hại thì phải báo với ai? Làm như thế nào để phòng tránh xâm hại tình dục? Có nên yêu đương, thể hiện tình cảm trong lớp học?... Thuyết phục học sinh bằng những câu giải đáp thấu tình đạt lý, tổ tư vấn pháp luật gồm đại diện Trung ương Hội LHPN Việt Nam, luật sư, lãnh đạo các phòng, ban, ngành của huyện nhận được sự tin tưởng, yêu mến của đông đảo học sinh.

Giao lưu cùng học sinh nhà trường, đại sứ chương trình “Chung tay vì an toàn của phụ nữ và trẻ em” –  Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê đã có những chia sẻ chân thành bằng chính câu chuyện của mình. H’Hen Niê tâm tình rằng, cô đến đây không phải với tư cách là hoa hậu, mà là một người chị từng học dưới mái trường này để sẻ chia với các em. H’Hen Niê cho biết, bạn đồng trang lứa của cô có những người giỏi, nhưng vì những tác động xấu bên ngoài khiến con đường tương lai bị ảnh hưởng.

Hay như chuyện, H’Hen đã nỗ lực hết mình để vươn lên trong cuộc sống, không chấp nhận số phận (14 tuổi bị ép kết hôn) và luôn đấu tranh với những hủ tục lạc hậu của vùng dân tộc thiểu số. Gửi tới học sinh thông điệp với lứa tuổi các em việc học mới là quan trọng nhất, H’ Hen Niê mong muốn các em học sinh phải biết ước mơ, nắm bắt cơ hội để trở thành những người sống có ích cho cộng đồng.

Phiên tòa giả định về chuyên đề bạo lực học đường.
Phiên tòa giả định về chuyên đề bạo lực học đường.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, từ nhiều năm nay, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã hướng các hoạt động vào việc xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em thông qua việc phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức các hoạt động thúc đẩy, lồng ghép giới trong chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức các hội thảo tham vấn chuyên gia về chương trình quốc gia về giáo dục cha mẹ; hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, bị mua bán thông qua mô hình Ngôi nhà bình yên, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng...

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.