Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Đrắk: Khó khăn trong công tác tiêm vắc xin phòng dại cho chó

08:49, 09/04/2019

Huyện M’Đrắk hiện có 65% số hộ nuôi chó, với khoảng trên 12.000 con. Hiện nay việc tiêm vắc xin phòng dại cho chó trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do người dân chưa quan tâm đúng mức đến việc này.

Tại xã Krông Jing, dù có đến hơn 65% số hộ nuôi gần 2.000 con chó song trong 3 tháng đầu năm, xã mới chỉ tiêm được 220 liều vắc xin phòng dại chó, đạt tỷ lệ 11%. Ông Nguyễn Xuân Quảng, cán bộ phụ trách công tác thú y xã Krông Jing cho biết, việc tiêm phòng dại chó gặp khó do nhận thức của người dân còn hạn chế. Số lượng các hộ đưa chó đi tiêm phòng chủ yếu là hộ người Kinh ở các thôn 1, 2, 3, 4 và thôn Ea Tê; còn các hộ dân tộc thiểu số ở các buôn thì ít khi quan tâm đến việc này.

Cán bộ thú y tiêm vắc xin phòng dại chó tại một hộ dân thôn 3, xã Krông Jing.
Cán bộ thú y tiêm vắc xin phòng dại chó tại một hộ dân thôn 3, xã Krông Jing.

Không chỉ ở các xã, ngay cả thị trấn M’Đrắk, dù chính quyền địa phương đã chỉ đạo quyết liệt nhưng nhiều hộ dân vẫn thờ ơ, không chịu tiêm vắc xin phòng dại cho chó mèo. Ông Nguyễn Đức Thảo, Chủ tịch UBND thị trấn M’Đrắk cho biết, ngay cả người bị chó cắn cũng chưa nhận thức được tác hại của việc phòng dại. Trong 3 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thị trấn đã xảy ra 8 trường hợp bị chó cắn, trong đó một con chó đã cắn 5 người và con chó đã chết; trong số 5 người bị chó cắn có 4 trường hợp đã đi tiêm huyết thanh phòng dại, còn 1 trường hợp không chịu đi tiêm phòng dù đã được các đoàn thể địa phương nhiều lần đến giải thích, vận động.

Thống kê trong 3 tháng đầu năm 2019, toàn huyện M’Đrắk mới tiêm được 1.390 liều vắc xin phòng dại chó, đạt tỷ lệ 11% trên tổng số đàn chó. Trong đó, các xã Ea Lai, Krông Á, Cư Króa và Ea Trang mỗi xã chỉ tiêm được 50 liều, các xã còn lại tiêm từ 70 - 200 liều, xã Krông Jing tiêm đạt cao nhất cũng chỉ được 220 liều. Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện than thở: “Công tác tiêm vắc xin phòng dại cho chó trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn bởi địa bàn rộng, giao thông khó khăn, lực lượng phụ trách công tác thú y từ huyện xuống cơ sở mỏng (toàn huyện chỉ có 15 người gồm 3 người ở trạm và 12 người phụ trách công tác thú y cơ sở, riêng xã Ea Mđoal vẫn chưa có người phụ trách công tác thú y xã).

Tuy nhiên, theo ông Hưng, khó khăn nhất vẫn là nhận thức của người dân còn hạn chế. Dù trong thời gian qua trên địa bàn huyện đã xảy ra 2 trường hợp tử vong vì chó dại cắn song nhiều người vẫn thờ ơ không chịu tiêm phòng. Việc phải bỏ ra chi phí 21.000 đồng/mũi tiêm cũng khiến những hộ nuôi nhiều chó lảng tránh việc tiêm phòng.

Tiến Ninh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.