Multimedia Đọc Báo in

Mưu sinh bằng món ăn dâng Yàng

14:18, 06/04/2019

“Vêch” – món ăn đặc biệt mà đồng bào Êđê chỉ nấu khi buôn làng mở hội, gia đình có việc quan trọng cần bẩm báo với Yàng (thần linh). Nay, “Vêch” đã trở thành thứ hàng hóa mưu sinh của không ít người dân địa phương.

"Vêch” là một đoạn ruột non liền kề với bao tử của con bò. Khi mổ bò, người thợ chọn một đoạn ruột non ưng ý, dùng lạt buộc chặt hai đầu rồi mới cắt ra để riêng làm “Vêch”. Đoạn ruột này được chần qua nước sôi, bóp lấy phần dịch tiêu hóa bên trong pha với nước, lọc, lắng rồi cô đặc. “Vêch” có vị nồng ngai ngái, đắng, thường dùng để nấu kèm với da, nội tạng con bò và các loại rau củ rừng như cà đắng, đu đủ, môn rừng… Món ăn có “Vêch” sẽ cho mùi vị nồng đắng rất đặc trưng. Nấu “Vêch” rất công phu, tốn nhiều thời gian nên trước đây món ăn này chỉ được đồng bào Êđê nấu khi buôn làng mở hội, gia đình có việc quan trọng cần bẩm báo với Yàng. Nay món ăn đã phổ biến, được người dân sử dụng hằng ngày.

Ama Sanh đi bán “Vêch” dạo.
Ama Sanh đi bán “Vêch” dạo.

Hơn 15 năm nay, bất kể nắng mưa, ông Y Drao Klơr (tên thường gọi là Ama Sanh, buôn Êa Yông B, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) một mình độc hành trên chiếc xe máy cũ kỹ rong ruổi khắp các buôn làng để bán “Vêch”. Vừa đi bán từ huyện Cư M’gar về, Ama Sanh vui mừng khoe: “Nay bán chạy, mới đi một vòng đã hết vèo 30 ký da bò nướng kèm Vếch”. Nhớ lại hành trình “khởi nghiệp” với món cúng Yàng, Ama Sanh kể, ông sớm mồ côi cha mẹ, lúc lấy vợ cũng hai bàn tay trắng. Vợ chồng ông làm thuê đủ nghề nhưng đói nghèo cứ bủa vây. Thương vợ con đói khổ, Ama Sanh quyết học theo người Kinh tập tành buôn bán. Ban đầu, ông đi buôn cá, nhưng không ổn lắm bèn chuyển qua món “Vêch”. Cứ 3 giờ sáng, ông đến lò mổ bò mua phần ruột non và khoảng chục ký da bò về nấu “Vêch”. Nhờ tài nấu ăn, Ama Sanh tạo ra món da bò nướng vàng ươm, giòn ngọt ăn kèm với nước chấm “Vêch”. Nấu xong, ông chia vào từng bịch rồi gùi bán quanh các buôn gần. Sau này có xe đạp rồi đến xe máy, Ama Sanh làm thêm “Vêch”, mở rộng địa bàn sang các huyện xa như Buôn Đôn, Ea H’leo… cách nhà cả trăm cây số.

Không kèn loa ồn ào, Ama Sanh dùng chính chất giọng Êđê khỏe khoắn, vang xa rao: “Vêch đây Vêch đây, mua Vêch đi anh em ơi”. Nghe vậy, người dân đã ra đường chờ mua. Mỗi bì 2 lạng giá 10 nghìn đồng, người mua tùy ý chọn rồi vui vẻ trả tiền. Ama Sanh cho hay, niềm vui lớn nhất là thấy giỏ hàng vơi dần. Có hôm bán tới trưa vẫn chưa hết hàng, ông sốt ruột đến “quên” ăn cơm.

Ama Sanh chia “Vêch” ra từng bịch đi bán.
Ama Sanh chia “Vêch” ra từng bịch đi bán.

Đi đường xa, Ama Sanh nhiều phen suýt mất mạng vì gặp tai nạn. Chuyện té ngã, hỏng xe giữa đường ông đã gặp nhiều, nhất là ngày mưa lũ. Chỉ vào con mắt trái đỏ hoe, mù mờ, ông kể, cách đây hai tháng, trên đường đi bán về gần tới nhà thì bị một người say rượu đi xe máy tông vào. Người chỉ trầy xước nhẹ nhưng con mắt bị tay lái đập vào sưng phù, phải ở nhà uống thuốc 2 tháng mới đỡ. Vất vả là vậy song Ama Sanh rất yêu nghề, trừ ốm đau, còn ngày thường vẫn đi bán đều. Ama Sanh chia sẻ, mỗi ngày đi bán, trừ chi phí còn lời gần 200 nghìn đồng. Số tiền này đủ nuôi sống cả gia đình qua mùa giáp hạt.

Thấy bán “Vêch” có lời, Ama Sanh chỉ nghề cho hai em ruột là Y Will Klơr và Y Gor Klơr. Mỗi người một địa bàn, bán ngày nào hết hàng ngày đó. Theo Ama Sanh, hiện có nhiều người bán “Vêch” dạo song không sợ ế vì đã có khách quen, vả lại không phải ai cũng biết nấu món “Vêch” ngon, được khách hàng thích.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.