Multimedia Đọc Báo in

Tiểu đoàn 303: Chủ động phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi

08:50, 10/04/2019

Trước nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi, thời gian qua, Tiểu đoàn 303, Trung đoàn 584 (Bộ CHQS tỉnh) đã chủ động triển khai nhiều cách làm quyết liệt, hiệu quả nhằm “đánh chặn từ xa”, bảo vệ an toàn đàn heo của đơn vị, qua đó bảo đảm tốt nguồn thực phẩm sạch, góp phần nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc bộ đội.

Thiếu úy Y Ngọc Ajun, Trợ lý Hậu cần Tiểu đoàn cho biết: “Đơn vị hiện có gần 100 đầu heo thịt và hơn 200 đầu heo con, heo nhỡ với 3 loại là heo ta, heo đen và heo lai rừng. Chúng tôi tiến hành tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin và chăm sóc theo đúng kỹ thuật, hướng dẫn của ngành thú y. Khi dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện tại các tỉnh phía Bắc, đơn vị đã tổ chức quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng trực tiếp chăn nuôi, chế biến, giết mổ hiểu rõ về sự nguy hiểm của bệnh và các dấu hiệu nhận biết ban đầu. Các khu vực chăn nuôi luôn được vệ sinh sạch sẽ và rắc vôi bột khử trùng. Mỗi tuần một lần, quân y Trung đoàn sẽ tiến hành phun thuốc khử trùng bằng dung dịch Cloramin B, Benconzind… để tiêu diệt mầm bệnh. Trung bình mỗi ngày đơn vị thịt một con heo từ 70 – 80 kg, đáp ứng đủ 100% nhu cầu về thịt nên không phải nhập từ bên ngoài”.

Chiến sĩ Tiểu đoàn 303 chăm sóc đàn bò của đơn vị.
Chiến sĩ Tiểu đoàn 303 chăm sóc đàn bò của đơn vị.

Tiểu đoàn 303 đang bước vào giai đoạn huấn luyện cao điểm, tuy rất bận rộn nhưng ngày nào Đại úy Trần Hùng, Tiểu đoàn trưởng cũng có mặt tại khu nuôi nhốt tập trung trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các chiến sĩ vệ sinh chuồng trại, kiểm tra, theo dõi sức khỏe đàn heo. Việc đeo khẩu trang, bao tay, ủng bảo hộ và lội hố vôi khử trùng trước khi bước vào chuồng nuôi được các anh tuân thủ nghiêm ngặt. Đại úy Trần Hùng chia sẻ: Ngoài dịch tả lợn châu Phi, các căn bệnh khác như lở mồm long móng, tai xanh cũng rất nguy hiểm. Toàn bộ thức ăn cho heo đều phải nấu chín và thường xuyên bổ sung thêm vitamin C, vitamin nhóm B. Những con heo có dấu hiệu bỏ ăn, sốt cao, ủ rũ, lờ đờ, ho khó thở, dáng đi loạng choạng, nằm chồng lên nhau, xuất huyết bẹn… sẽ được cách ly, theo dõi và báo cáo kịp thời cho lực lượng chức năng. Trường hợp khai thác con giống từ bên ngoài, phải chọn những con giống khỏe mạnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch và nguồn gốc rõ ràng ở vùng không có dịch. Heo mới nhập về phải được nuôi cách ly từ 10 – 15 ngày và tiêm vắc xin đầy đủ trước khi ghép đàn. Nhờ vậy, đàn heo hoàn toàn khỏe mạnh, không có dấu hiệu của dịch tả lợn châu Phi hay các dịch bệnh khác.

Đàn heo đen, heo lai rừng của Tiểu đoàn 303.
Đàn heo đen, heo lai rừng của Tiểu đoàn 303.

Theo Thiếu úy Nguyễn Đức Trọng, nhân viên Quản lý, tất cả gạo, củi, mắm muối, rau, củ, quả, thịt… trước khi nhập bếp đều phải thực hiện cân đong, kiểm định công khai, minh bạch và ghi chép “tay ba” với sự tham gia của nhân viên quản lý, trực ban nội vụ và quân y Tiểu đoàn. Nếu phát hiện bất thường, trực ban sẽ yêu cầu tạm dừng việc xuất – nhập, lập biên bản và báo cáo chỉ huy cấp trên xử lý. Chính vì vậy, thực phẩm nhập bếp lúc nào cũng tươi, ngon, bảo đảm định lượng và vệ sinh an toàn. Các khu vực pha thái, chế biến, nấu nướng, chia thực phẩm luôn được vệ sinh, khử trùng sạch sẽ, đội ngũ nhân viên nấu ăn phải mang mặc trang phục thống nhất theo quy định và thường xuyên được thăm khám sức khỏe.

Được biết, ngoài heo, Tiểu đoàn 303 còn có hơn 30 con bò, 1.500 gà, vịt các loại và 0,5 ha mặt nước nuôi cá. Đang mùa khô nhưng Tiểu đoàn vẫn tự túc được 100% nhu cầu về rau xanh. Công tác bảo đảm hậu cần, đời sống, chăm sóc sức khỏe bộ đội được quan tâm đúng mực, tỷ lệ quân số khỏe tham gia học tập, công tác của đơn vị luôn đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra.

Lê Hà


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.