Nhận diện bạo lực, xâm hại trẻ em
Phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em là một trong những nội dung cần quan tâm của chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 nhằm hướng đến những hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn nữa trong việc thực hiện quyền được bảo vệ của trẻ em.
Thời gian qua cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong việc triển khai thực hiện quyền trẻ em, cải thiện khung pháp lý để bảo vệ quyền trẻ em, nhất là việc thực hiện Luật Trẻ em, thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em và Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em… Nhưng trên thực tế, việc triển khai chính sách, pháp luật về quyền trẻ em vẫn còn nhiều bất cập, nhiều quyền trẻ em chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ. Một hội thảo khoa học về quyền trẻ em của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã có đánh giá, chúng ta đang thực hiện rất tốt các nhóm quyền sống còn và quyền phát triển của trẻ em, nhưng vẫn còn yếu về nhóm quyền tham gia và quyền bảo vệ.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Theo thống kê của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, Tổng đài đã tiếp nhận hơn 300.000 cuộc gọi đến và đã tư vấn 6.794 ca, can thiệp 207 ca. Trong số 207 ca được can thiệp, có 74 ca trẻ em bị bạo lực (chiếm 35,8%), 63 ca trẻ em bị xâm hại tình dục (chiếm 30,4%). Đây mới chỉ là số liệu cơ quan chức năng thống kê được, trong thực tế con số này còn lớn hơn nhiều nhưng vì nhiều lý do mà số trường hợp trẻ bị xâm hại, bạo lực chưa được phát hiện, tố cáo. Vì thế mà mới chỉ một phần nhỏ các vụ việc xâm hại, bóc lột, bạo lực trẻ em được các cơ quan chức năng báo cáo và điều tra, xử lý.
Các em nhỏ vui chơi, thử tài làm bánh. Ảnh minh họa: Thanh Hường |
Thực trạng này đã được các tổ chức, cơ quan chức năng nhìn nhận, đánh giá đúng mức để tìm hướng ứng phó hữu hiệu. Trong khuyến nghị ưu tiên cho kế hoạch năm 2019 liên quan đến bảo vệ và chăm sóc trẻ em của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, một trong những nội dung được nhấn mạnh chính là việc phòng, chống bạo lực trẻ em. Theo UNDP, nhiều vụ bạo hành trẻ em bị phát hiện và lên án thời gian qua không hẳn là do ngày càng xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em mà do ngày càng có nhiều người hiểu và lên tiếng về những vụ việc như vậy. Điều đó chứng tỏ nhận thức của xã hội, của người dân nói chung về trách nhiệm và lên tiếng tố cáo bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em ngày càng được nâng lên. Đây là điều cần lưu tâm trong triển khai giải pháp ứng phó.
Đơn cử như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang vận động một số doanh nghiệp lớn đưa số điện thoại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em lên bao bì sản phẩm để người dân biết cách tìm sự trợ giúp khi cần thiết; ngành Giáo dục và Đào tạo trang bị cho giáo viên kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, xử lý những hành vi có nguy cơ dẫn đến bạo lực, xâm hại ở học đường; ngành Y tế tập huấn kiến thức thực hành cho cán bộ tham gia cung cấp dịch vụ tiếp nhận, chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, xâm hại… Đặc biệt, tại phiên họp thường kỳ tháng 4 vừa qua, Quốc hội đã đề xuất thống nhất trong năm 2020 sẽ giám sát chuyên đề tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em, qua đó sẽ có sự đánh giá và đề xuất các vấn đề liên quan.
Trong bối cảnh phương thức, hình thức hành vi bạo lực, xâm hại ngày càng tinh vi, phức tạp, đe dọa trẻ em không chỉ trong đời thực mà cả trong môi trường trực tuyến; có thể xảy ra mọi nơi, ngay cả những nơi lẽ ra an toàn nhất đối với trẻ là gia đình và trường học thì không riêng gì những người làm công tác trẻ em mà cả cộng đồng đều cần phải được trang bị kiến thức, nhận thức, kỹ năng nhận diện chính xác, kịp thời về bạo lực, xâm hại trẻ em, từ đó có giải pháp ứng phó hữu hiệu.
Hoa Hồng
Ý kiến bạn đọc