Multimedia Đọc Báo in

Trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai cho cộng đồng

06:05, 25/05/2019

Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai (PCTT) năm 2019 ( từ ngày 15 đến 22-5) có chủ đề “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng”. Theo Sở NN-PTNT, một trong những nội dung của Tuần lễ là hướng dẫn nâng cao kiến thức, kỹ năng về các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho các nhóm đối tượng trong cộng đồng.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra với tần suất cao, cường độ mạnh và diễn biến khó lường, không theo quy luật, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, tác động bất lợi đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra tại nước ta như: áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, lốc xoáy, động đất, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, rét hại…

Chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm qua, nhiều vùng trên cả nước đã hứng chịu những hậu quả nặng nề của thiên tai. Trong năm 2018, thiên tai làm 224 người chết và mất tích, thiệt hại 20.000 tỷ đồng. Tại Đắk Lắk, tình hình thiên tai cũng diễn biến khá phức tạp với các dạng chủ yếu: hạn hán, mưa to, lũ, ngập lụt, bão, lốc, sét, sạt lở… gây thiệt hại không nhỏ. Khi xảy ra thiên tai, cộng đồng dân cư là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, rõ rệt nhất. Vì vậy, họ rất cần được trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Cơn bão số 12 (năm 2017) gây thiệt hại lớn  cho người dân xã Yang Mao,  huyện Krông Bông. Ảnh: Q. Anh
Cơn bão số 12 (năm 2017) gây thiệt hại lớn cho người dân xã Yang Mao, huyện Krông Bông. Ảnh: Q. Anh

Thực hiện đề án tổng thể phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cho người dân trong các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ, lụt, các cơ quan chức năng và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Ngoài việc triển khai các chính sách về pháp luật, xây dựng hệ thống công trình, nâng cao năng lực ứng phó của xã hội, các hoạt động cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả sau thiên tai thì vấn đề nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai đang được đặc biệt chú trọng.

Năm nay, lần đầu tiên Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT phối hợp xây dựng bộ tài liệu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng về phòng chống thiên tai cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai và các đối tượng liên quan trong cộng đồng. Cũng do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai phát sinh những yêu cầu mới cần có những quy định phù hợp nên mới đây cơ quan chức năng đã tổ chức Hội thảo rà soát các luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống thiên tai, xác định ưu tiên cần điều chỉnh, bổ sung. Việc quản lý rủi ro thiên tai cũng được định hướng chuyển từ tập trung vào ứng phó thiên tai sang tập trung nhiều hơn vào giảm nhẹ rủi ro thiên tai và quản lý rủi ro thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, tỉnh ta có đặc điểm dân cư phân bố rộng và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống nên công tác tuyên truyền, vận động về phòng, chống thiên tai trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác thông báo, cảnh báo cho người dân khi xảy ra tình huống khẩn cấp. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác PCTT thời gian tới là tiếp tục triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 13-7-2009.

Theo đó, cùng với việc nâng cao năng lực dự báo, khoanh hẹp vùng dự báo thiên tai thì công tác truyền tin cảnh báo thiên tai, mưa lũ cũng cần được cập nhật liên tục, chính xác để người dân trong vùng ảnh hưởng biết và chủ động phòng tránh. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng cộng đồng an toàn gắn với thực hiện tiêu chí bảo đảm điều kiện phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”; chú trọng xây dựng, củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, nhằm từng bước nâng cao năng lực dân sự trong ứng phó thiên tai tại cơ sở; nâng cao năng lực, kỹ năng của người dân, nhất là huy động sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng.

Bên cạnh kênh thông tin truyền thống cũng cần tận dụng mạng xã hội để thông tin nhanh dự báo chi tiết, cụ thể cho từng vùng, kết hợp giải pháp cảnh báo bằng tin nhắn điện thoại trong trường hợp khẩn cấp; có những giải pháp truyền thông phù hợp bảo đảm tiếp cận đến người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa...

Hoa Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.